Việt Nam cam kết thực hiện đầy đủ quy định xóa lao động cưỡng bức

Ngày 28/07/2024

Với 458/460 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (tương đương 94,82%), sáng 8/6, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về gia nhập công ước xóa bỏ lao động cưỡng bức.

Đó là Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế. Với kết quả này, Việt Nam sẽ áp dụng trực tiếp toàn bộ nội dung của Công ước số 105.

Quốc hội giao Thủ tướng Chính phủ trách nhiệm tổ chức thực hiện Công ước, phê duyệt và chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan ở trung ương và địa phương triển khai kế hoạch thực hiện.

Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan hoàn thành thủ tục đối ngoại về việc gia nhập Công ước số 105 và thông báo thời điểm Công ước số 105 có hiệu lực đối với Việt Nam.

Quốc hội, UB Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các UB của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện nghị quyết về gia nhập Công ước số 105 này.

Chủ nhiệm UB Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nhận xét: việc gia nhập Công ước phù hợp với đường lối đổi mới, hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước. Việc gia nhập Công ước số 105 vào thời điểm này là thận trọng, phù hợp với quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, vì lợi ích quốc gia, thực hiện chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân, không chấp nhận cưỡng bức bóc lột lao động.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong các Luật, văn bản dưới Luật đã ban hành đều có các quy định nhằm phòng, chống lao động cưỡng bức; như Bộ luật Lao động năm 2019, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017),  Nghị định số 28 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…

Theo dantri.com.vn