Biểu giá điện mới gây thất vọng cho người tiêu dùng

Ngày 12/08/2020

Đề xuất giá điện 1 bậc của Bộ Công thương với mức giá từ 2.700 - 2.900 đồng/kWh đã gây thất vọng cho hầu hết người tiêu dùng.

 
Theo chuyên gia, giá điện 1 bậc được đưa ra là quá lớn và thiếu cơ sở.

Ngày 10/8, Bộ Công thương chính thức lấy ý kiến dự thảo biểu giá điện mới. Theo đó, đối với khách hàng sử dụng cho mục đích sinh hoạt, Bộ Công thương tiếp tục đề xuất lấy ý kiến trong bảng dự thảo với 2 phương án. Phương án 1 là biểu giá bán lẻ điện tính theo 5 bậc trên cơ sở 6 bậc hiện tại, và phương án 2 tính theo 5 bậc và 1 bậc (gồm 2 phương án 2A và 2B).

Biểu giá 1 bậc không dành cho 98% hộ dân ?

Với các mức giá nêu trên, theo phương án 2A, giả sử khách hàng dùng 400 kWh/tháng theo cách tính 5 bậc sẽ đóng ít hơn so với mức giá hiện nay, nhưng nếu khách hàng này chọn trả 1 giá là 2.703 đồng/kWh thì phải đóng cao hơn đến 186.300 đồng/tháng. Còn trả 1 giá theo phương án 2B phải đóng cao hơn 261.074 đồng/tháng. Trong khi đó, theo số liệu của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), số hộ sử dụng điện dưới 400 kWh lên đến hơn 22 triệu hộ. Như vậy, trong biểu giá điện mới này, có ít nhất 22 triệu hộ dân không thể chọn cách trả điện 1 giá.

Tương tự, với khách hàng dùng từ 401 - 700 kWh/tháng, số tiền phải đóng mỗi tháng theo 5 bậc tương đương cách tính theo 6 bậc hiện nay, nhưng nếu chọn trả 1 giá phải trả chênh lệch thêm từ 102.000 - 233.000 đồng/tháng, tùy chọn phương án 1 giá 2.703 đồng hay 2.890 đồng/kWh. Trong khi đó, theo Bộ Công thương, có đến 98,2% số hộ có mức sử dụng điện dưới 700 kWh. Như vậy, mức điện 1 giá được đưa ra không biết dành cho đối tượng khách hàng nào?

Trước đó, vào đầu tháng 7/2020, kết quả khảo sát của Thanh Niên Online với bạn đọc cũng cho ra tỷ lệ 79% người tham gia bình chọn muốn trả tiền điện 1 giá. Nay với mức 1 giá cao hơn mức bình quân 145 - 155%, chắc chắn có hàng chục triệu hộ gia đình tạm chia tay với mong muốn, kỳ vọng, ý định lựa chọn 1 giá.

 “Đưa ra một lựa chọn mới cho khách trả tiền điện nhưng không dành cho số đông, vậy có thể nói là cách đối phó hoặc làm cho có lệ không?” là câu hỏi của đa số khách hàng đối với dự thảo của Bộ Công Thương.

Ép lên cao để trả xuống mức kỳ vọng ?

Theo Bộ Công thương, biểu giá đề xuất “đảm bảo nguyên tắc không làm thay đổi mức giá bán lẻ điện bình quân hiện hành cho khách hàng sinh hoạt. Các phương án sửa đổi nhằm giải quyết các vấn đề tồn tại chính hiện nay của biểu giá điện, theo hướng phù hợp hơn với thực tế sử dụng điện của các khách hàng sử dụng điện hiện nay”.

Đặc biệt, trong dự thảo, Bộ này cũng đưa ra tiêu chí hộ nghèo về thu nhập do Thủ tướng Chính phủ quy định được hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt, mức hỗ trợ hằng tháng tương đương tiền điện sử dụng 30 kWh tính theo giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành.

Với quan điểm này, TS Ngô Đức Lâm, nguyên Viện phó Viện Năng lượng (Bộ Công thương), phản biện: Với phương án 5 bậc giá, Bộ Công thương đề xuất rút từ 6 bậc xuống 5 bậc nhưng giá điện tại từng bậc lại tăng cao hơn. Chẳng hạn, từ bậc 2 với hộ dùng từ 101 kWh trở lên đã áp giá cao hơn giá điện bình quân 8% nên tính ra người dùng sẽ phải trả cao hơn so với cách tính hiện tại trên cùng 1 số lượng điện tiêu thụ. Tương tự, giá điện 1 bậc áp giá bình quân cao hơn giá bình quân hiện tại từ 1,5 - 2 lần, người tiêu dùng chọn trả bằng giá điện bình quân cũng thiệt hơn so với hiện nay.

Theo ông Lâm, sai lầm mấu chốt trong cách tính giá điện hiện nay của Bộ Công thương là không đảm bảo nguyên tắc tổng doanh thu điện sinh hoạt được tính theo từng bậc (5, 6 ,7 bậc...) cho khách hàng (T2) phải cân bằng với tổng doanh thu tính theo giá điện bình quân (T1).

Các đoàn thanh tra hằng năm kiểm toán cũng không công bố các con số này nên ngành điện muốn thu lại bao nhiêu, để tổng doanh thu theo bậc từ khách hàng lớn hơn tổng doanh thu tính theo giá điện bình quân bao nhiêu thì áp giá ở từng bậc bấy nhiêu. Trong khi đó, nếu ngay từ đầu công khai, đảm bảo đủ nguyên tắc T1 luôn bằng T2 thì dù có chia 3 hay 5, 7 bậc, giá trung bình tính ra cũng đều quay về giá bình quân, không thể cao hơn.

“Mặt khác, với giá điện 1 bậc, việc tính giá điện lên tới 2.700 - 2.900 đồng như đề xuất của Bộ Công thương là quá lớn và không có cơ sở. Giá điện bình quân hơn 1.860 đồng/kWh hiện nay đã bao gồm cả chi phí và lãi. Trong nhiều cuộc họp tính toán về giá điện trước đây, chính Bộ Công thương khi phát biểu cũng chỉ bày tỏ mong muốn được tăng giá bình quân lên 2.400 - 2.500 đồng/kWh là đạt yêu cầu. Vậy giờ tăng lên đến gần 3.000 đồng/kWh là quá vô lý. Phải chăng đơn vị này đang muốn tạo sức ép đẩy giá cao lên để khi “trả giá” xuống thấp hơn một chút là vừa ý nguyện?”, ông Lâm thẳng thắn đặt vấn đề.

Ngoài ra, TS Lâm cũng lưu ý khi chọn áp dụng biểu giá điện 1 bậc bằng giá bình quân, cũng cần có cơ chế để giá điện thay đổi lên/xuống do thị trường quyết định. Giá điện bình quân sẽ được tính toán lại theo từng năm hoặc từng quý, phụ thuộc vào nhiều yếu tố đầu vào như nguyên liệu, thời tiết… Chỉ khi nào giá điện bình quân tăng đột biến lên hơn 10% mới phải xin ý kiến Thủ tướng. Nếu đảm bảo nguyên tắc thị trường, ngành điện sẽ không phải sợ thiệt, không phải “tìm mọi cách” để đẩy giá điện lên cao như hiện nay.

Theo thanhnien.vn