Vì sao đại gia địa ốc đua nhau làm dự án căn hộ cao cấp ở TP Biên Hòa?

Ngày 27/01/2018

Trong những tháng cuối 2017 và đầu năm 2018 thị trường nhà đất Biên Hòa (Đồng Nai) bỗng dưng trở nên sôi động với hàng loạt dự án BĐS tầm cỡ được công bố.

Hầu hết trong số đó là những dự án căn hộ cao cấp được bán với giá khoảng 1,3 – 2 tỷ đồng mỗi căn. Theo số liệu từ Sở Lao động và Thương binh xã hội tỉnh Đồng Nai cung cấp, trong quý 1/2018 dự kiến sẽ có khoảng trên 3.200 căn hộ từ 8 dự án đồng loạt được chào bán ra thị trường TP Biên Hòa. Con số này bỗng dưng tăng đột biến, gấp tới 8 lần so với lượng căn hộ được bán tại Đồng Nai trong 6 năm cộng lại.

Lượng cung tăng cao là bởi gần đây có hàng loạt đại gia địa ốc đã đón đầu việc đầu tư, phát triển hạ tầng của TP Biên Hòa để trở thành đô thị loại 1 trong giai đoạn 2017-2020, và nhằm đáp ứng nhu cầu cao thuê, mua căn hộ cao cấp của lượng chuyên gia nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Biên Hòa.

Thị trường BĐS Biên Hòa đã xuất hiện nhiều cái tên quen thuộc trong giới địa ốc ở khu vực phía Nam như Kim Oanh, Long Điền, Berjaya-D2D…đồng loạt nhiều dự án được công bố tại Biên Hòa như Samsora Riverside, Topaz Twins, Dự án Biên Hoà Center City (576 căn), LDG Premium (879 căn), Thanh Bình Center (587 căn), Bien Hoa Central Park (436 căn)…

Giao dịch gần đây ở những dự án căn hộ cao cấp tại Tp Biên Hòa khá sôi động, chẳng hạn 300 căn hộ tại một dự án tại Tân Vạn đã có chủ sau 2 tuần mở bán, hay hàng trăm căn hộ tại một dự án trên đường Võ Thị Sáu cũng đã được giao dịch.

Bên cạnh những dự án căn hộ, những dự án đất nền vùng ven trung tâm thành phố gần đây cũng được giao dịch khá sôi động. Trong đó, công ty thành viên của địa ốc Kim Oanh hợp tác với đối tác là Công ty cổ phần Đồng Nai (CODONA) phát triển dự án khu đô thị Golden Center City 3 Biên Hòa Đồng Nai tại mặt tiền đường Bắc Sơn – Long Thành; hay dự án Biên Hòa New Town trên đường Hoàng Minh Chánh, Tp Biên Hòa…

Theo lý giải của giới địa ốc, sắp tới TP Biên Hòa sẽ đón nhận nhiều dự án phát triển hạ tầng, đặc biệt là tuyến đường trung tâm rộng tới 60m được mở rộng. UBND TP Biên Hòa (Đồng Nai) cũng đã có báo cáo về "Xây dựng TP Biên Hòa xứng tầm đô thị loại I trực thuộc tỉnh" giai đoạn 2017-2020.

TP Biên Hòa sẽ được đầu tư xứng tầm như trung tâm hành chính mới của Biên Hoà, các con đường ven sông Đồng Nai, sông Cái và các con đường huyết mạch để giảm bớt ùn tắc giao thông. Tổng vốn đầu tư cho các dự án trọng điểm này vào khoảng 36.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, mới đây UBND TP.HCM đã chấp thuận chi 21.234 tỷ để kéo dài tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đến Biên Hòa của tỉnh Đồng Nai. Khi đi vào vận hành, tuyến Metro này sẽ giúp rút ngắn khoảng cách đi từ Đồng Nai cụ thể là từ trung tâm Biên Hòa đến Quận 1 TP.HCM chỉ còn 20 phút –nhanh hơn cả việc di chuyển từ quận Quận 12, Bình Tân hay Tân Phú đến trung tâm Sài Gòn.

Đây được xem là những  "đòn bẩy" cộng hưởng cùng lúc trong dịp cuối năm đã tạo ra một lực đẩy cho trị trường địa ốc Biên Hoà.

Hơn nữa, gần đây chính sách hạn chế tách thửa sang tên đất nên quanh sân bay Long Thành đã khiến thị trường khu vực này bớt sốt. Nhiều nhà đầu tư có xu hướng dịch chuyển dòng vốn từ Long Thành sang Biên Hoà.

Một lý do khác khiến các đại gia địa ốc thấy được tiềm năng lớn của thị trường BĐS Biên Hòa (Đồng Nai) còn ở nhu cầu cao căn hộ cao cấp cho thuê. Thống kê của Sở Lao động và Thương binh xã hội Đồng Nai cho thấy, hiện trên địa bàn tỉnh này có tới hơn 26.800 doanh nghiệp (bao gồm cả công ty nước ngoài) đang hoạt động. Trong đó, số lượng chuyên gia nước ngoài đang làm việc là 7.182 người. Ngoài ra, tại 5 KCN lớn tại Biên Hòa hiện có tới hơn 400.000 lao động.

Tuy nhiên, theo đại diện một doanh nghiệp BĐS tại địa phương, hiện Biên Hoà chỉ có khoảng 400 căn hộ, chưa đáp ứng được 2% lượng nhu cầu nhà ở cho các chuyên gia. Hiện lượng cung căn hộ không đủ đáp ứng cầu khiến hầu hết các ông lớn địa ốc đều muốn nhảy vào đầu tư tại Biên Hòa.

Nhật Minh

Theo Trí thức trẻ