Tiền đang rẻ nhưng lại bí đầu ra
Chưa bao giờ giá vốn thấp như bây giờ. Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất tiền đồng qua đêm, theo Ngân hàng Nhà nước ngày 8-7-2020, chỉ còn 0,13%/năm.
Lĩnh vực bất động sản đang hút tiền, nhưng vốn ở các ngân hàng đã không chảy vào đây bất chấp tiền thừa và rẻ. Ảnh minh họa.
Một số ngân hàng dự báo lãi suất qua đêm có thể giảm xuống 0,01%/năm, tức có một chút lãi suất tượng trưng. Trên thị trường 1, huy động vốn từ dân cư và tổ chức kinh tế, lãi suất tiết kiệm dưới sáu tháng phổ biến ở mức 4%/năm, có ngân hàng niêm yết 3,8%/năm. Lãi suất không kỳ hạn cao nhất 0,5%/năm, thấp nhất 0,1%/năm.
Gửi tiết kiệm trực tuyến cũng không cao hơn là mấy mặc dù các ngân hàng đều khuyến mại cộng thêm 0,1-0,2%/năm cho lãi suất tất cả các kỳ hạn trên sáu tháng. Tuy nhiên, với tiền gửi trực tuyến, nhiều ngân hàng không cho phép tất toán một phần khoản tiền gửi trước hạn. Đã tất toán là phải tất toán hết.
Ngoài ra khoản tiền gửi trực tuyến không được cầm cố, thế chấp vay vốn. Giả sử bạn gửi tiết kiệm 500 triệu đồng, trong trường hợp cần rút ra 100 triệu đồng, bạn phải tất toán toàn bộ, và chỉ được hưởng lãi suất không kỳ hạn.
Trên thị trường trái phiếu, lợi tức trái phiếu Chính phủ cũng đang trên đường phá đáy khi kỳ hạn 1 năm dao động quanh 0,51%/năm; 3 năm 1,26%/năm; 5 năm 1,96%/năm; 10 năm 2,96%/năm và cao nhất là 30 năm với 3,55%/năm.
Các tổ chức buôn bán trái phiếu nhận định cứ mỗi tuần lợi tức trái phiếu các kỳ hạn hạ từ 2-5 điểm phần trăm. Nước ngoài mua ròng trái phiếu. Các ngân hàng thừa vốn cũng đầu tư trái phiếu.
Các công ty bảo hiểm hành động tương tự. Tổng giám đốc một ngân hàng nói: “Trái phiếu Chính phủ hiện nay không chỉ an toàn mà còn rất thanh khoản. Các phiên đấu thầu trái phiếu của Kho bạc Nhà nước, lượng đặt mua luôn áp đảo, cao hơn 2-4 lần khối lượng chào bán”.
Một kênh khác là nguồn vốn giá rẻ từ bên ngoài lặng lẽ tìm nơi neo đậu an toàn ở Việt Nam. Một doanh nghiệp uy tín, quy mô doanh thu gần 3 tỉ đô la Mỹ/năm, cho biết liên tục nhận được chào mời vay ngoại tệ lãi suất 2%/năm từ các quỹ hưu trí của Nhật.
Họ tin tưởng doanh nghiệp, không đòi hỏi cam kết khắt khe gì. Thế là doanh nghiệp vay, rồi mang gửi ngân hàng trong nước. Kể cả đã cộng thêm phí mua bảo hiểm ngoại tệ, thì vẫn có lời.
Vì sao vốn rẻ?
Sở dĩ vốn rẻ, lãi suất giảm là do ngân hàng khó tiêu tiền. Ngân hàng Nhà nước cho biết đến cuối tháng 6-2020 tín dụng tăng trưởng 3,26% so với cuối năm ngoái, trong khi cùng kỳ tăng 7,33%. Ngân hàng muốn cho vay lắm, nhưng không tìm được người vay đủ tiêu chuẩn. Các doanh nghiệp kinh doanh gì để đạt lợi nhuận ròng 10%/năm mà vay ngân hàng dù công ty nào cũng thừa nhận lãi suất đầu ra 5-7%/năm quá hấp dẫn.
Cũng phải thừa nhận, tâm lý các ngân hàng e ngại nợ xấu trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chưa biết đi đâu về đâu vì dịch Covid-19 vẫn còn đấy, nên thà giảm lợi nhuận còn hơn rủi ro nợ xấu. Cả bốn ngân hàng hàng đầu Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank đều không xài hết chỉ tiêu tín dụng được phân bổ. Riêng VietinBank, sáu tháng đầu năm tín dụng ước tăng 0,4% so với đầu năm - mức thấp chưa từng có trong nhiều thập niên.
Trong khối tổ chức tín dụng cổ phần, Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) có mức tăng trưởng tín dụng 12% trong sáu tháng đầu năm, cao nhất hệ thống. Song xét về số tuyệt đối, tỷ lệ gia tăng cao của khối cổ phần không thấm vào đâu so với sự sụt giảm dù với tỷ lệ thấp của bốn “ông lớn” vì 1% tín dụng của BIDV tương ứng 10.000 tỉ đồng, tương đương một phần ba tổng dư nợ của một ngân hàng nhỏ và 7-10% tổng dư nợ một ngân hàng tầm trung.
Ngân hàng Nhà nước đã hai lần giảm các loại lãi suất điều hành. Tỷ giá từ đầu năm đến nay rất ổn định. Không thể đòi hỏi một mặt bằng lãi suất thấp hơn nữa khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đang biến động khó lường. Giải ngân đầu tư công được Chính phủ đốc thúc các bộ, ngành, địa phương, nhưng chưa đạt tốc độ mong muốn. Nền kinh tế nói chung đang gặp phải một vấn đề nan giải: hấp thụ vốn.
Tác động của dịch bệnh khiến người dân thắt chặt hầu bao, gia tăng tiết kiệm và tiêu dùng ít đi. Dường như chúng ta đang cần một liều thuốc kích cầu tiêu dùng mạnh. Ở Anh, chính phủ quyết định trong một tháng từ ngày 1/8/2020, các hóa đơn ăn uống nhà hàng được giảm 50%, theo đó nhà nước sẽ bồi hoàn 50% hóa đơn cho các chủ nhà hàng nhằm khuyến khích người dân tiêu dùng.
Ở Pháp, hệ thống cửa hàng Monoprix quyết định nhận lại toàn bộ hàng hóa mà người mua muốn trả lại kể cả hàng hóa mua ở những siêu thị khác (người mua phải giữ biên lai mua hàng). Các cửa hàng thời trang treo bảng giảm giá 50-70% khắp nơi.
Trái phiếu DN đắt hàng
Trong thị trường tiền rẻ chỉ còn một thứ vẫn đắt hàng, đó là trái phiếu doanh nghiệp, chủ yếu của các công ty bất động sản. Mới nhất, Công ty Chứng khoán Tiên Phong giới thiệu trái phiếu doanh nghiệp của Công ty cổ phần Hưng Thịnh Land kỳ hạn 12 tháng + 1 ngày lãi suất 10,34%/năm; của Công ty cổ phần Bamboo Capital kỳ hạn ba tháng lãi suất 8,2%/năm; sáu tháng 9,2%/năm; của Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM với lãi suất 8,2%/năm kỳ hạn ba tháng và 9,2%/năm kỳ hạn sáu tháng bao gồm cam kết mua lại.
Khải Hoàn Land đang phát hành trái phiếu doanh nghiệp một năm lãi suất 11,4%/năm. Công ty Nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai cũng phát hành trái phiếu ba và sáu tháng lãi suất tương ứng 8,2% và 8,9%/năm...
Hầu hết trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản bảo đảm hoặc tài sản bảo đảm là chính cổ phiếu công ty hoặc dự án bất động sản đang triển khai, trả lãi ba tháng/lần.
Theo Công ty Chứng khoán SSI, đến ngày 31/3/2020 lượng trái phiếu doanh nghiệp mà cá nhân, các tổ chức phi tín dụng nắm giữ đã lên đến 385.000 tỉ đồng, bằng quy mô tiền gửi khách hàng của một ngân hàng lớn.
Lĩnh vực bất động sản đang hút tiền, nhưng vốn ở các ngân hàng đã không chảy vào đây bất chấp tiền thừa và rẻ. Phải chăng các ngân hàng không dám đánh đổi vì rủi ro lớn?
Box: Trong thị trường tiền rẻ chỉ còn một thứ vẫn đắt, đó là trái phiếu doanh nghiệp, chủ yếu của các công ty bất động sản.
Theo thesaigontimes.vn