Thận trọng phát triển nông nghiệp hữu cơ

Ngày 25/01/2018

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) thì nông nghiệp hữu cơ là hệ thống kỹ thuật nuôi trồng kết hợp hướng đến sự bền vững, tăng cường độ phì của đất và sự đa dạng sinh học. Nông nghiệp hữu cơ cấm sử dụng thuốc trừ sâu bệnh tổng hợp, thuốc kháng sinh, phân bón tổng hợp, sinh vật biến đổi gen, hóc-môn tăng trưởng.

Những năm gần đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến khích hướng tới nông nghiệp hữu cơ, tăng sử dụng phân hữu cơ, giảm dùng phân hóa học và quản lý sâu bệnh theo hướng hữu cơ sinh học. Trong thực tế sản xuất, đã có một số trang trại và tổ hợp tác đang đi theo hướng này và có được kết quả ban đầu. Thế nhưng biến đổi khí hậu, thiên tai bất thường, nước biển dâng đang hằng ngày, hằng giờ tác động trực tiếp đến nước ta, khiến đất trồng bị co hẹp, trong khi dân số tăng nhanh, bình quân diện tích đất trồng trên đầu người giảm dần. Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm do phát triển công nghiệp ngày càng nghiêm trọng, không chỉ với đất đai, nguồn nước, mà cả không khí đang gây khó khăn cho sản xuất nông phẩm sạch. Là một nước đang phát triển ở trình độ còn thấp thì sản xuất hữu cơ, nhằm tạo ra sản phẩm sạch là mục tiêu lâu dài, bởi muốn có nông phẩm sạch theo tiêu chuẩn cao, đòi hỏi thiết bị hạ tầng tốn kém (nhà kính, nước sạch, điều hòa nhiệt độ…).

Ngoài ra, trong tình hình bảo hộ kinh tế hiện nay, nhiều nước tiên tiến đặt ra những đòi hỏi nghiêm ngặt với sản phẩm hữu cơ. Ở một số quốc gia khác, để được công nhận là sản phẩm hữu cơ, phải thông qua kiểm nghiệm khắt khe trong nhiều năm. Nhưng ở nước ta chưa có hệ thống kiểm tra, đánh giá nghiêm ngặt cho nên dễ có tình trạng trắng đen lẫn lộn, làm giảm lòng tin người tiêu dùng. Trong khi đó, đã không có thị trường thì không thể có sản xuất.

Thật ra, không thể coi nông nghiệp hữu cơ là hình thức duy nhất tạo ra sản phẩm sạch, còn có một loại nông nghiệp sạch nữa là các GAP (Good Agriculture Practice). GAP là công nghệ sản xuất tiên tiến của nhà nông, sản xuất theo quy trình kỹ thuật năng suất cao, chất lượng tốt, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, được tiến hành trong môi trường không ô nhiễm. Nếu phải lựa chọn thì chắc nhiều người sẽ ủng hộ VietGAP, bởi công nghệ này thực hành theo phương pháp khoa học tốt nhất, lại bảo đảm được an ninh lương thực và sản phẩm không chỉ được người tiêu dùng tiếp nhận mà còn phù hợp trình độ của người sản xuất. Ðây là phương thức sản xuất nông nghiệp sạch cho phép sử dụng tất cả các loại giống, kể cả giống chuyển gen, cho phép sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, trừ cỏ hóa học. Tuy nhiên khi kiểm tra sản phẩm thì phải đạt tiêu chuẩn sạch, chất tồn dư hóa học trong sản phẩm dưới ngưỡng cho phép, con người có thể sử dụng liên tục mà không bị độc hại. Ngoài ra, hoạt động sản xuất không gây ô nhiễm môi trường.

Vì vậy, cùng với khuyến khích sản xuất nông nghiệp hữu cơ, thì trước hết cần ưu tiên phát triển nông nghiệp VietGAP, vừa dễ thực hiện, giá cả lại hợp lý, không quá sức, có thị trường ổn định và bảo đảm an ninh lương thực.

GS LÊ VIẾT LY