Sử dụng và khai thác nguồn tài nguyên thực vật có tinh dầu Việt Nam
(Phần 3 và hết)
GSTS.Trần Đình Thắng
Trường Đại học Vinh
Đỗ Ngọc Đài
Trường Đại học Kinh tế Nghệ An
Việt Nam được xếp hạng thứ 16 trên thế giới về sự đa dạng tài nguyên sinh vật và là một trong mười trung tâm đa dạng sinh học phong phú nhất thế giới. Việt Nam có hệ thực vật đa dạng trong đó nhóm các cây có tinh dầu cũng rất phong phú, mang những nét đặt trưng riêng cho vùng khí hậu cận nhiệt đới. Với điều kiện địa lý, tự nhiên thuận lợi, nhiều loài thực vật chứa tinh dầu ở nước ta có khả năng khai thác, tạo ra những mặt hàng có lợi thế cạnh tranh trên thị trường thế giới, do vậy, hiện nay nguồn tiềm năng này đang được quan tâm đánh giá để được sử dụng khai thác có hiệu quả.
Nghiên cứu về tinh dầu trong nước
Nguyễn Xuân Dũng và Trần Đình Thắng (2005) đã nghiên cứu một số loài trong chi Cinnamomum khá đầy đủ. Đặc biệt là nghiên cứu cây Long não (C. camphora), tác giả đã đánh giá về hàm lượng cũng như sự tích lũy tinh dầu ở các bộ phận khác nhau từ cây non đến cây trưởng thành. Các loài Vù hương (C. porrectum), Re hoa nhỏ (C. micranthum) thì thành phần chủ yếu trong tinh dầu là safrol (70-90%).
Phân tích các mẫu tinh dầu Quế có hàm lượng (E)-cinnamaldehyd từ 80-95%, có các hợp chất cinnamyl acetat, cinnamyl alcohol, coumarin, benzyl benzoat.
Chi màng tang (Litsea) là một chi lớn của họ Long não. Thành phần chính của tinh dầu quả là Neral và Geranial, thành phần chính của tinh dầu lá là Linalool, Sabinen, A-terpineol… Tinh dầu Long não được sử dụng nhiều trong công nghệ dược và hóa mỹ phẩm.
Họ Cam quýt (cam, quýt, bưởi, chanh,....) đều chứa tinh dầu trong lá, hoa và trong vỏ quả, nguyên liệu quan trọng trong công nghệ chế biến thực phẩm (bánh kẹo, nước giải khát...), mỹ phẩm. Chi Euodia cũng là chi có nhiều loài cho tinh dầu như cây ba Chạc (Chè cỏ), Thôi chanh (Xoan dầu dấu), Dầu dấu lá mập, Dầu dấu lá hẹp. Các nghiên cứu tinh dầu của các loài này đều cho thấy thành phần chính là Ocimen chiếm từ 39 – 46%, đây là thành phần được sử dụng nhiều trong sản xuất nước hoa.
Họ Hoa môi (Lamiaceae) thì Kinh giới rừng (Kinh giới núi) hàm lượng tinh dầu 0,4-0,6%, có mùi thơm như Khuynh diệp hoặc Tràm; thành phần chủ yếu là Cineol. Còn tinh dầu Bạc hà là nguồn nguyên liệu chính để tách Menthol, là nguyên liệu quan trọng trong ngành dược phẩm, thực phẩm, hóa mỹ phẩm. Vùng nguyên liệu Bạc hà ở trên núi cao, và vùng đồng bằng châu thổ Sông Hồng, chất lượng tinh dầu có hàm lượng Menthol cao đạt tiêu chuẩn quốc tế, được đánh giá rất cao trên thị trường quốc tế.
Tinh dầu gừng (Zingiber offcinale) ở Việt Nam gồm 61 hợp chất. Tinh dầu gừng giúp điều hòa thân nhiệt cơ thể như hạ sốt, chống lạnh và đổ mồ hôi trộm. Tinh dầu gừng làm dịu tinh thần, chống suy nhược, hồi phục năng lượng và tạo cảm giác sảng khoái cho cơ thể nhờ mùi thơm gắt pha lẫn ngọt ngào.
Tràm phân bố chủ yếu ở các vùng khô hạn từ miền Bắc Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng đến Long An, Đồng Tháp. Đây là loại nguyên liệu để cất tinh dầu là chủ yếu. Tinh dầu của Bạch đàn có mùi dễ chịu và có tính kháng khuẩn mạnh nên được sử dụng nhiều trong công nghệ hóa mỹ phẩm, sản xuất xà phòng và các chất tẩy rửa, sát trùng. Tinh dầu Bạch đàn chanh có hàm lượng Citronella khá cao nên là nguồn nhiên liệu tự nhiên có giá trị trong công nghệ chuyển hóa và sản xuất các sản phẩm Hydroxycitronellal, Citrolellylnitrile và Methol.
Sản xuất và tiêu thụ tinh dầu ở Việt Nam
Cho tới nay Việt Nam mới khai thác tự nhiên hoặc đưa vào gây trồng khoảng 20 loài để lấy tinh dầu. Chạy theo nhu cầu của thị trường và lợi nhuận, một số loài như Trầm hương, Xá xị, Hoàng đàn, Pơmu... đã bị khai thác kiệt. Chỉ trong khoảng 10 năm (1980 -1990) theo ước tính bước đầu đã có khoảng trên 320 tấn Trầm (khoảng trên 20 tấn từ loại 1 đến loại 4 và khoảng trên 300 tấn từ loại 5 đến loại 9) được khai thác và xuất khẩu theo con đường khác nhau. Những năm qua, các doanh nghiệp nước ta đã thu mua, chế biến và xuất khẩu hàng ngàn tấn tinh dầu.
Việc phát triển trồng rừng, vườn rừng, vườn đồi đối với cây tinh dầu thân gỗ đã đem lại hiệu quả tích cực cả về kinh tế, xã hội và môi sinh. Các quần thể quế ở Yên Bái, Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Nam… đã mở ra nhiều triển vọng, góp phần xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống kinh tế, văn hoá, cải tạo và phục hồi hệ sinh thái ở các địa phương miền núi.
Loài Đại hồi chỉ phân bố trong phạm vi hẹp, là đặc sản của một số huyện thuộc các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng và một vài địa phương của Quảng Tây, Quảng Đông (Trung Quốc) ở vùng gần biên giới nước ta. Trước đây, hàng năm đồng bào các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã sản xuất tới 5.000 - 6.000 tấn hồi khô và đã có một nhà máy chưng cất tinh dầu khá hiện đại với công suất khoảng 200 - 300 tấn tinh dầu/năm.
Sau chiến tranh biên giới phía Bắc, nhà máy đã bị tàn phá, đồng thời diện tích hồi bị thu hẹp lại nhanh chóng. Việc khôi phục lại rừng hồi và công nghệ chưng cất, chế biến tinh dầu hồi là vấn đề cần được đặt ra một cách khẩn trương, mặc dù còn nhiều khó khăn.
Bảo vệ và trồng mới các diện tích rừng Tràm trên vùng đất cát và đầm lầy ven biển các tỉnh miền trung (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế…)
Từ lâu, nhiều loại tinh dầu Việt Nam đã nổi tiếng thế giới về chất lượng tuyệt hảo và giá trị quý hiếm mà không đất nước nào có thể so sánh được như tinh dầu Quế, tinh dầu Hoa hồi, tinh dầu Trầm hương, tinh dầu Pơmu, tinh dầu Tràm, tinh dầu Bạc hà, dầu Dừa...Các sản phẩm của chúng đã xuất khẩu đi Mỹ, EU, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản...
Nhằm khai thác nguồn tài nguyên thực vật có tinh dầu, trong những năm qua nhiều công ty đã đầu tư xây dựng những vùng nguyên liệu dồi dào để sản xuất tinh dầu phục vụ cho xuất khẩu như tinh dầu Trầm Hương (Hà Tĩnh); Tinh dầu Quế (Yên Bái, Quảng Nam); tinh dầu Hương Nhu (Thái Bình); Tinh dầu Sả (Vĩnh Phúc); tinh dầu Bạc Hà (Hưng Yên); Tinh dầu Hồi (Lạng Sơn); Tinh dầu Tràm (Huế) và dầu Dừa (Bến Tre). Sản phẩm tinh dầu đã được xuất khẩu ra khắp thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Mặc dù được xem là nước có nguồn thực vật chứa tinh dầu đa dạng và phong phú với rất nhiều loài cho tinh dầu có giá trị thương phẩm cao nhưng do hạn chế về công tác điều tra nghiên cứu, quy hoạch, khai thác và công nghệ nên số sản phẩm tinh dầu có thương hiệu Việt Nam chỉ chiếm 20-24% trên trị trường và giá trị cũng thấp hơn từ 10-30% so với cùng loại.
Nhiều kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng, Việt Nam có thể khai thác được thêm nhiều loại tinh dầu như tinh dầu Màng tang, tinh dầu Quế, tinh dầu Sả, tinh dầu Hương bài, tinh dầu Re, tinh dầu Đại hồi, ... nếu công tác quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu được làm tốt tại những địa phương có tiềm năng.
Theo Tạp chí Mỹ phẩm