Sử dụng và khai thác nguồn tài nguyên thực vật có tinh dầu Việt Nam

Ngày 31/03/2020

(Phần 1)

GS.TS.Trần Đình Thắng
Trường Đại học Vinh
Đỗ Ngọc Đài
Trường Đại học Kinh tế Nghệ An

 

Việt Nam được xếp hạng thứ 16 trên thế giới về sự đa dạng tài nguyên sinh vật và là một trong mười trung tâm đa dạng sinh học phong phú nhất thế giới. Trong đó, nhóm các cây có tinh dầu cũng rất phong phú, mang những nét đặt trưng riêng cho vùng khí hậu cận nhiệt đới.

Tinh dầu và nguyên liệu chứa tinh dầu đóng vai trò quan trọng trong các ngành công nghiệp đem lại lợi nhuận cao. Chúng được tiêu thụ mạnh nhất là trong ngành thực phẩm, được dùng làm gia vị, chế biến rượu mùi với số lượng lớn và được buôn bán hàng năm trên thế giới với giá rất cao. 

Sau ngành thực phẩm, ngành sử dụng nguồn nguyên liệu lớn nữa về tinh dầu là ngành công nghiệp Hương liệu và Dược - Mỹ phẩm với giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, tinh dầu còn được sử dụng trong công nghiệp sơn, công nghiệp chế biến một số hoá chất như Tecpin, Menthol, Cineol, Long não...

Ở Việt Nam, tinh dầu được sử dụng trong công nghiệp sản xuất nước hoa; làm xà phòng thơm, dầu gội (Sả, Bạch đàn, Keo lá tràm, Chanh, Hoa hồng); làm dược phẩm có tác dụng thông tiểu tiện, ra mồ hôi, chữa sốt, dễ tiêu hóa (Cúc, Quế, Cam); làm hương liệu cho nước giải khát hoặc dùng để sát khuẩn, khử mùi (Sả chanh, Hương nhu, Đinh hương…).

Thực tế ở Việt Nam hiện nay, nhu cầu tinh dầu hương liệu, tinh dầu kháng khuẩn sử dụng trong y học có thị trường rất lớn. Phần lớn tinh dầu sử dụng trong ngành thực phẩm, y dược hiện nay thường được nhập từ nước ngoài, giá thành rất cao. Trong khi đó, với phương tiện kỹ thuật công nghệ trong nước, hoàn toàn có thể sản xuất được nguồn tinh dầu này kể cả dạng thô và dạng tinh khiết. 

Vấn đề quan tâm hàng đầu hiện nay ở Việt Nam là nguồn nguyên liệu thực vật chứa tinh dầu đủ cho quy mô chiết xuất công nghiệp. Ở Hà Nội, Quảng Bình, đã có những mô hình trồng bạch đàn, keo lá tràm để lấy tinh dầu và đã cho những kết quả ban đầu rất khả quan với thu nhập bình quân từ 60-80 triệu/ha/năm. Ở Quảng Trị đã có đề tài cấp tỉnh nghiên cứu mô hình trồng sả và chiết xuất tinh dầu, Đồng Nai có dự án trồng 500 ha các loại cây sả Java, Sả chanh, sả Ấn Độ, Tràm trà để lấy tinh dầu, … Tuy nhiên các mô hình này cần được quy hoạch tốt để đáp ứng nhu cầu một cách bền vững.

Hệ thực vật Việt Nam có khoảng 12.000 loài, trong đó đã thống kê được 657 loài thực vật có tinh dầu, đặc biệt với nhiều loài và họ cho tinh dầu có giá trị thương phẩm. Chính vì vậy trong nhưng năm qua đã có nhiều công trình nghiên cứu về tinh dầu của các loài và họ thực vật phân bố ở Việt Nam. Đặc biệt một số công trình lớn đã tiến hành khảo sát nguồn thực vật có tinh dầu ở các vùng khác nhau như vùng Bắc Trung Bộ (thực hiện ở Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị), vùng Đông Bắc Việt Nam đã thống kê và phân tích được hàng trăm loài có tinh dầu, trong đó có nhiều loài cho tinh dầu quan trọng và có thể khai thác với khối lượng lớn.

Một số công trình nghiên cứu gần đây về khảo sát hàm lượng và thành phần hóa học tinh dầu một số loài ở Bắc Trung Bộ đã cho thấy tiềm năng rất lớn về nguồn tài nguyên tinh dầu thực vật. Có khá nhiều họ thực vật cho tinh dầu như các họ: Cúc (Asteraceae), Hoa tán (Apiaceae), Hoa môi (Lamiaceae), Long não (Lauraceae), Sim (Myrtaceae), Hoa hồng (Rosaceae), Cam (Rutaceae), Thông (Poaceae), Gừng (Zingibereceae)... Nhiều loài cho tinh dầu quý như Re hương (Cinnamomum parthenoxylon), Vù hương (Cinnamomum balansae), Sả (Cymbopogon citratus), Pơ mu (Fokienia hookinsii)…

Một số loài thực vật ở Bắc Trung Bộ đã được phân tích thành phần và hàm lượng tinh dầu như Màng tang (Litsea cubeba), Quế (Cinamomum sp.), Cam chanh (Citrus sp.), Bời lời (Litsea sp.),… các kết quả đều cho thấy hàm lượng tinh dầu có trong các loài thực vật này khá cao và có nhiều thành phần có giá trị, có thể khai thác trên quy mô công nghiệp.

(Còn nữa)