Nồng độ CO2 cao nhất trong vài triệu năm qua

Ngày 18/06/2020

Các nhà khoa học ghi nhận nồng độ CO2 trong khí quyển đạt mức 417,1 ppm vào tháng 5, cao nhất trong vài triệu năm qua.

Giá trị này cao hơn 2,4 ppm so với kỷ lục trước đó được ghi nhận vào tháng 5/2019. Phép đo được thực hiện tại Đài quan trắc Mauna Loa bởi các chuyên gia từ Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ và Viện Hải dương học Scripps ở San Diego, California.

Mauna Loa nằm trên một ngọn núi lửa cằn cỗi ở ngoài khơi Thái Bình Dương, nơi không bị ảnh hưởng bởi các nguồn ô nhiễm và thảm thực vật địa phương, khiến nó trở thành địa điểm lý tưởng để lấy mẫu không khí.

Nồng độ CO2 khí quyển tại Mauna Loa đạt đỉnh vào tháng 5 là một bất ngờ đối với nhiều người bởi trong những tháng vừa qua, nhu cầu tiêu thụ năng lượng toàn cầu đã giảm mạnh do đại dịch.

Theo một nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí Nature Climate Change, lượng khí thải CO2 hằng ngày trên toàn cầu đã giảm trung bình 17% vào đầu tháng 4/2020 do lệnh hạn chế đi lại và những thay đổi trong mô hình tiêu thụ năng lượng. Tại một số quốc gia, phát thải thậm chí giảm tới 26% vào lúc cao điểm.

“Mọi người có thể ngạc nhiên khi thấy sự bùng phát của COVID-19 không giúp giảm nồng độ CO2 trong khí quyển. Tuy nhiên, sự tích tụ CO2 giống như rác bên trong bãi rác. Khi chúng ta tiếp tục phát thải, lượng CO2 tích tụ trong không khí sẽ tăng lên”, nhà hóa học Ralph Keeling, Giám đốc Chương trình CO2 từ Viện Hải dương học Scripps giải thích.

Đài quan trắc Mauna Loa lần đầu tiên ghi nhận nồng độ CO2 trong khí quyển Trái đất vượt ngưỡng 400 ppm vào năm 2014 và kể từ đó, số liệu đo được thường xuyên cao hơn 400 ppm.

Tuy nhiên, trước đó, hôm 19/2, Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (CREA) ở Phần Lan cho biết trên trang Carbon Brief rằng, so với cùng kỳ năm ngoái, lượng khí thải carbon toàn cầu đã giảm ít nhất 100 triệu tấn trong 2 tuần đầu của tháng 2. Nguyên nhân của việc này là do đại dịch COVID-19 khiến cho nhu cầu về nhiên liệu hóa thạch giảm mạnh.

Một nghiên cứu khác từ dữ liệu vệ tinh của CREA cũng ghi nhận lượng khí thải nitơ dioxit (NO2) ở Trung Quốc - sản phẩm phụ của quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch trong xe cộ và nhà máy điện - giảm tới 36% trong tuần đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán so với năm 2019.

Theo baochinhphu.vn