Những điểm mới trong Bộ luật Lao động có hiệu lực từ 1/1/2021
Bộ luật Lao động (sửa đổi) có hiệu lực tới đây có nhiều nội dung thay đổi theo hướng bảo vệ tốt hơn đối với người lao động. Đồng thời, bổ sung quy định nâng cao nhận diện, hình thức hợp đồng lao động thông qua phương tiện điện tử.
Theo đó, điểm thay đổi tác động lớn nhất tới nhiều người lao động là vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu. Điều 169, quy định tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Kể từ năm 2021, cứ mỗi năm tuổi nghỉ hưu sẽ tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ, cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035.
Về ngày nghỉ, người lao động được nghỉ Quốc Khánh (2/9) 2 ngày (nay đang là 1 ngày). Như vậy, từ năm 2021, người lao động sẽ được nghỉ tổng cộng 11 ngày nghỉ lễ, tết hàng năm: Tết Dương lịch 1 ngày, Tết Âm lịch 5 ngày, Ngày Chiến thắng (30/4) 1 ngày, Ngày Quốc tế lao động (1/5) 1 ngày, Ngày Quốc khánh (2/9) 2 ngày (ngày 2/9 và 1 ngày liền kề trước hoặc sau), Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 ÂL) 1 ngày.
Thời gian nghỉ giữa giờ của người lao động không được tính vào giờ làm việc. Điều này đồng nghĩa với việc, người lao động phải đảm bảo thời gian làm việc thực tế đủ 8 giờ/ngày. Chỉ khi người lao động làm việc theo ca liên tục từ 6 giờ trở lên thì thời gian nghỉ giữa giờ mới được tính vào giờ làm việc.
Bộ luật cũng bổ sung thêm các trường hợp người lao động được nghỉ việc riêng và hưởng nguyên lương là con nuôi kết hôn, cha mẹ nuôi, cha mẹ nuôi của vợ hoặc chồng, con nuôi chết.
Về hợp đồng lao động, ghi nhận hình thức hợp đồng lao động điện tử, ngoài ra, với những trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì vẫn được coi là hợp đồng lao động (Điều 13).
Người lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng không cần lý do trong những trường hợp: Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận; Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn; Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập; Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc; Đủ tuổi nghỉ hưu, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác...
Người sử dụng lao động không được ký hợp đồng lao động để trừ nợ. Điều 17, quy định một trong những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động là “Buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho người sử dụng lao động”.
Bổ sung quy định về thời gian thử việc đối với người quản lý doanh nghiệp: Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Được ký hợp đồng xác định thời hạn nhiều lần với người cao tuổi thay vì kéo dài thời hạn hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới như trước đây.
Về nguyên tắc trả lương, Điều 94 Bộ Luật Lao động 2019 bổ sung nội dung về nguyên tắc trả lương. Cụ thể: trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp. Người sử dụng lao động không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định.
Người sử dụng lao động phải thông báo bảng kê trả lương khi trả lương cho người lao động: Mỗi lần trả lương, người sử dụng lao động phải thông báo bảng kê trả lương cho người lao động, trong đó ghi rõ tiền lương, tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc vào ban đêm, nội dung và số tiền bị khấu trừ (nếu có).
Theo nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn