Nghị viện Châu Âu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU

Ngày 13/02/2020

Chiều 12/2/2020 (theo giờ Việt Nam) Nghị viện Châu Âu đã chính thức phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA và EVIPA) đã mở ra "con đường cao tốc hướng Tây” kết nối Việt Nam tới thị trường EU rộng lớn, có tiềm năng hàng đầu trên thế giới cả về tài chính, công nghệ và thị trường...

 

Sau khi được Nghị viện Châu Âu phê chuẩn, các Hiệp định này sẽ được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn trong kỳ họp tháng 5/2020 tới để chính thức có hiệu lực thực hiện.

Ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.

Sau 07 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

Đối với hàng xuất khẩu của EU, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu).

Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu.

Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu).

Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, Việt Nam áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết WTO.

Các lĩnh vực mà Việt Nam cam kết thuận lợi cho các nhà đầu tư EU gồm một số dịch vụ chuyên môn, dịch vụ tài chính, dịch vụ viễn thông, dịch vụ vận tải, dịch vụ phân phối.

Hai bên cũng đưa ra cam kết về đối xử quốc gia trong lĩnh vực đầu tư, đồng thời thảo luận về nội dung giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước.

Đồng thời, với dòng vốn đầu tư từ Châu Âu, các chuyên gia kỳ vọng giá trị gia tăng và chuyển giao công nghệ hàm lượng công nghệ  sẽ của góp phần nâng cấp những công đoạn sản xuất tại Việt Nam trong các chuỗi giá trị toàn cầu mà Việt Nam đang nỗ lực tham gia sẽ tăng lên đáng kể.

Những ngành nào hưởng lợi?

Báo cáo chuyên đề “Cơ hội cho nhiều ngành thế mạnh của Việt Nam khi EVFTA được ký kết và phê chuẩn” của Công ty chứng khoán Bảo Việt công bố cho biết: Các ngành như dệt may và giày dép là ngành được hưởng lợi nhiều nhất với tăng trưởng xuất khẩu đến năm 2035 đạt thêm 13,49 tỷ EUR. Tiếp theo là xuất khẩu các loại thực phẩm và dịch vụ kinh doanh, được dự kiến sẽ tăng thêm 794 triệu EUR và 543 triệu EUR. Tuy nhiên ngành dệt may của Việt Nam sẽ phải có những thay đổi để có thể thỏa mãn điều kiện về xuất xứ, qua đó có thể tận dụng các ưu đãi về thuế quan mà hiệp định EVFTA mang lại.

Các ngành về rau quả, giầy dép hiện đang là thế mạnh của Việt Nam, và nếu vượt qua được các tiêu chuẩn về kỹ thuật (đặc biệt là ngành rau quả) thì EVFTA sẽ tạo ra cú huých về tăng trưởng cho nhiều doanh nghiệp đang theo đuổi nông nghiệp công nghệ cao hiện nay.

Ngoài các nhóm ngành được hưởng lợi trực tiếp từ lộ trình cam kết giảm thuế của Hiệp định gồm: ngành hàng khác cũng được hưởng lợi gián tiếp như: ngành logistics, các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp.

Ở chiều ngược lại, do cạnh tranh mạnh đến từ xuất khẩu các mặt hàng máy móc và thiết bị điện tử từ các nền kinh tế thuộc Liên Minh Châu Âu vào Việt Nam, xuất khẩu các sản phẩm thiết bị điện tử cùng với các loại máy móc khác và linh kiện được dự báo sẽ giảm nhẹ khoảng 196 và 32 triệu EUR.

Ngành sữa của Việt Nam cũng sẽ gặp phải cạnh tranh từ các sản phẩm sữa có xuất xứ từ EU với ưu thế về chất lượng và an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, do phân khúc sản phẩm chính có phần lệch nhau, nên áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp sữa của Việt Nam là không đáng kể.

Hiện nay, EU là một trong số thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này năm 2019 đạt 41,48 tỷ USD và nhập khẩu đạt 14,91 tỷ USD.

Về tổng thể, cơ cấu kinh tế của Việt Nam và các nước EU mang tính bổ sung, tương hỗ lẫn nhau nên ít có cạnh tranh trực tiếp. Cạnh tranh gay gắt sẽ chỉ ở một số lĩnh vực mà Việt Nam còn yếu trong khi EU lại rất mạnh như logistic, chăn nuôi.

 

Theo Đầu tư, VCCI, Thanh Niên