Năm 2020: Tăng trưởng GDP sẽ giảm so với mục tiêu, nợ công có thể tăng thêm 3,2%?
Sáng 15/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế, xã hội, ngân sách bổ sung năm 2019 và những tháng đầu năm 2020.
Cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/5.
Yếu tố Trung Quốc
Ở Báo cáo này, Chính phủ khẳng định, nền kinh tế dù bị ảnh hưởng hết sức nặng nề bởi dịch Covid-19, nhưng có một số điểm sáng là kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm giữ ổn định; lạm phát được kiểm soát, xu hướng giảm dần qua từng tháng; xuất khẩu đạt 82,94 tỷ USD, tăng 4,7%, trong đó khu vực trong nước tăng 12,1%, xuất siêu khoảng 3 tỷ USD.
Phương thức tiêu dùng, quản lý, điều hành trong các hoạt động kinh tế, xã hội trong nước có sự đổi mới theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giao tiếp và làm việc từ xa; tăng mạnh nhu cầu của thị trường công nghệ thông tin và công nghệ số...
Dự báo một số xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, Chính phủ cho rằng quan hệ đối ngoại của Việt Nam được tăng cường nhờ các nỗ lực hợp tác quốc tế để đối phó với dịch Covid-19 và đã được đánh giá cao.
Quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các quốc gia dự báo có một số điểm sáng như: nhiều mặt hàng của Việt Nam gồm trang thiết bị y tế, gạo, nông sản... đã tìm được cơ hội để thâm nhập vào các thị trường mới; Việt Nam có cơ hội trở thành thị trường thay thế trong bối cảnh nguồn cung từ thị trường Trung Quốc bị gián đoạn.
Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia cũng có tác động gây khó khăn cho quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các nước. Các biện pháp giãn cách xã hội, đóng cửa biên giới sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam với các đối tác chính trong thời gian tới, đặc biệt là những nước đang chịu tác động mạnh mẽ bởi dịch Covid-19 như Mỹ và châu Âu.
Mặt khác, đại dịch Covid-19 dẫn đến xu hướng gia tăng cạnh tranh giữa Việt Nam - Trung Quốc, do xu hướng các nước dịch chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang Việt Nam, cũng như đến một số quốc gia khác.
Cần điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế?
Điểm lại một số cuộc khủng hoảng tài chính gần đây, Báo cáo của Chính phủ nêu rõ, để ứng phó, Việt Nam đã phải linh hoạt điều chỉnh mục tiêu phát triển.
Cuộc khủng hoảng vì đại dịch Covid-19 hiện nay không xuất phát từ khó khăn, yếu kém trong hệ thống tài chính, tiền tệ khu vực và thế giới, mà từ yếu tố khách quan, nhưng tác động và phạm vi ảnh hưởng nặng nề, mạnh mẽ hơn nhiều so với các cuộc khủng hoảng trước đây.
Do đó, yêu cầu điều chỉnh mục tiêu của năm 2020 được Chính phủ nhìn nhận là cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế khách quan, theo nội dung trong báo cáo.
Theo đó, dự kiến những chỉ tiêu cần điều chỉnh là: tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 4,5% (trước đây là 6,8%), tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân năm 2020 khoảng 4% (trước đây là dưới 4%); tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 4% (trước đây là khoảng 7%).
Chính phủ cũng tính toán điều chỉnh tổng số thu ngân sách nhà nước giảm 163 nghìn tỷ đồng so với dự toán được giao; bội chi ngân sách nhà nước bằng khoảng 4,75% GDP (tăng 1,31% so với mục tiêu đề ra); tỷ lệ nợ công bằng khoảng 55,5% GDP (tăng 3,2% so với mục tiêu đề ra).
Hai kịch bản tăng trưởng của Việt Nam năm 2020
Báo cáo của Chính phủ đã xây dựng 2 kịch bản phát triển kinh tế, theo 2 tình huống phát triển của dịch bệnh Covid-19.
Kịch bản 1: Thời gian Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4/2020 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam dự kiến trong quý III/2020. Theo đó, phương án GDP tăng dự kiến khoảng 4,4-5,2% so với năm 2019 (thấp hơn 1,6-2,4 điểm phần trăm mục tiêu đề ra); trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 2,5-2,8%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,7-7,9%, khu vực dịch vụ ước tăng 2,8-3,6%.
Kịch bản 2: Thời gian Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4/2020 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam dự kiến trong quý IV/2020. Theo đó, phương án GDP tăng dự kiến khoảng 3,6-4,4% so với năm 2019 (thấp hơn 2,4-3,2 điểm phần trăm mục tiêu đề ra); trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 2,1-2,5%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,8-6,7%, khu vực dịch vụ ước tăng 1,8-2,8%.
Theo nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn