Kịch bản nào cho kinh tế Việt Nam trước cú sốc đại dịch?
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự tính giảm mạnh trong năm 2020, xuống mức 4,8%, do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Đó là nhận định được đưa ra trong báo cáo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) mới công bố sáng nay (3/4).
Theo ADB, nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ của năm 2019, dựa trên nền tảng nhu cầu nội địa cao, ngành công nghiệp chế biến chế tạo vững vàng và đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh.
Tính đến thời điểm hiện nay, theo ADB, dịch vụ là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi bệnh dịch bùng phát. Đại dịch sẽ khiến Việt Nam mất 23% lượng khách du lịch.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng được dự báo sẽ giảm đáng kể trong năm 2020, do tác động của đại dịch Covid-19. Năm 2019 lạm phát đã giảm xuống mức thấp nhất trong ba năm trở lại đây, nhưng dự báo sẽ tăng nhẹ trong năm 2020 và 2021.
Thặng dư cán cân vãng lai tuy tăng trong năm 2019 nhưng sẽ giảm mạnh trong năm nay.
Cũng theo ADB, sự bùng phát dịch Covid-19 gây tổn hại cho nông nghiệp Việt Nam, khi hầu hết tất cả các cửa khẩu biên giới đất liền với Trung Quốc và Việt Nam đóng cửa vào tháng 1 làm đóng băng hoạt động xuất khẩu nông sản.
Do dịch bệnh kéo dài, nhu cầu đối với hàng nông sản xuất khẩu từ Việt Nam sẽ tiếp tục giảm. Sản xuất nông nghiệp còn bị ảnh hưởng bởi tình trạng xâm nhập mặn nghiêm trọng ở đồng bằng sông Cửu Long.
Tốc độ tăng trưởng trong nông nghiệp giảm mạnh xuống 0,08% trong quý đầu tiên của năm từ mức 2,7% trong cùng kỳ năm trước. Do đó, tăng trưởng nông nghiệp sẽ giảm xuống còn 1% vào năm 2020.
Tuy nhiên, nông nghiệp chưa phải là lĩnh vực chịu tổn thất nặng nhất từ Covid-19. Tính đến thời điểm hiện nay, theo ADB, dịch vụ mới là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi bệnh dịch này.
Với tỉ trọng chiếm tới 42% GDP, khu vực dịch vụ tăng trưởng chậm lại sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tác động lớn nhất thông qua sự suy giảm của hoạt động du lịch và các dịch vụ liên quan, vốn chiếm đến 40% doanh thu của khu vực dịch vụ.
Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế ước tính rằng sự lây lan rộng khắp của đại dịch hiện nay sẽ khiến Việt Nam mất 23% lượng khách du lịch.
Thực tế, tăng trưởng của khu vực dịch vụ đã giảm một nửa xuống còn 3,2% trong quý 1 của năm 2020 từ mức 6,5% của cùng kỳ năm 2019.
Đáng chú ý, theo ADB, lạm phát bình quân trong quý 1/2020 đã tăng lên 5,6%, mức cao nhất của cùng kỳ trong suốt giai đoạn 2016-2020, chủ yếu là do giá dịch vụ y tế và giá thịt lợn đều tăng, trong đó giá thịt lợn tăng kéo theo việc tăng giá của các loại thịt thay thế.
Trong cả năm 2020, lạm phát bình quân dự kiến sẽ ở mức 3,3%, và tiếp tục tăng lên 3,5% vào năm 2022. “Nếu đại dịch trở nên tồi tệ hơn dự báo hiện nay và đặc biệt là nếu giá thịt lợn vẫn tiếp tục cao thì áp lực lạm phát có thể gia tăng”, ADB nhấn mạnh.
“Cho dù các hoạt động kinh tế suy giảm và các rủi ro do dịch COVID-19 vẫn còn, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất khu vực Đông Nam Á,” Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam Eric Sidgwick cho biết.
Đặc biệt, nếu đại dịch được khống chế trong nửa đầu năm 2020, nền kinh tế sẽ phục hồi trở lại với mức tăng trưởng 6,8% trong năm 2021 theo như dự báo của ADB trước khi xảy ra COVID-19 và nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong trung và dài hạn.
Box: Hôm 31/3, trong Báo cáo "Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương: Các quốc gia phải hành động ngay để giảm thiểu cú sốc kinh tế của Covid-19", Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cũng ước tính, do dịch Covid-19 nên tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam có thể giảm 1,6% so với dự báo 6,5% trước đây xuống còn 4,9%.
Theo dantri.com.vn