Không "trói" dự án bằng quy mô

Ngày 18/06/2020

Luật Đầu tư (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đã bỏ quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án có quy mô vốn từ 10.000 tỉ đồng trở lên.

Theo kết quả biểu quyết, có 446 trong tổng số 458 đại biểu Quốc hội  (94,82%) tán thành, 8 đại biểu Quốc hội (1,66%) không tán thành và 4 đại biểu (0,83%) không biểu quyết để thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi).

Bỏ quy định dự án 10.000 tỉ đồng phải xin ý kiến Thủ tướng

Theo đó, Luật Đầu tư (sửa đổi) đã bỏ quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư các dự án có quy mô vốn từ 10.000 tỉ đồng trở lên.

Trước đó, tại phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), nhiều ý kiến đại biểu cho rằng nên bỏ quy định "Thủ tướng quyết định các dự án đầu tư có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội khác”, vì quy định này chưa rõ ràng về tiêu chí, dự án ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt.

PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho rằng không nên “trói dự án” bằng quy mô. Không có lý do gì để đưa ra quy định về số vốn đầu tư này. Dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách, thuộc đầu tư tư nhân thì quy mô 5.000 tỉ đồng, hay 10.000 tỉ đồng, thậm chí 50.000 tỉ đồng cũng là vấn đề của nhà đầu tư, không cần thiết phải “chạy đi hỏi Thủ tướng”.

Bỏ trần chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt

Liên quan quy định về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt (Điều 20), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết có ý kiến đề nghị bỏ quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định các dự án đầu tư có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội khác tại điểm c khoản 2, vì quy định này chưa rõ ràng về tiêu chí, dự án ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt đã được quy định tại điểm a và b tại khoản này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu bỏ quy định tại điểm c khoản 2 của Điều này.  

Đáng chú ý có ý kiến cho rằng quy định tại khoản 3 với mức ưu đãi đầu tư đặc biệt, tối đa thêm 50% so với các mức ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật, dẫn đến mở rộng ưu đãi hơn so với quy định của pháp luật về thuế và pháp luật về đất đai. Quy định trên có thể dẫn tới xung đột pháp luật.

Giải trình nội dung này, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế nêu rõ: “Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu theo hướng không quy định mức trần của chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt tại khoản 3 Điều 20 mà chỉ quy định mức ưu đãi và thời hạn áp dụng ưu đãi đặc biệt thực hiện theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và pháp luật về đất đai”.

Đồng thời, Luật bổ sung khoản 5a vào sau khoản 5 Điều 13 và bổ sung khoản 1a vào sau khoản 1 Điều 14 của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp tại khoản 4 Điều 75 của dự thảo Luật, nhằm thể chế hóa chủ trương chính sách của Đảng về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 và để chính sách ưu đãi được thực hiện ngay sau khi Luật Đầu tư có hiệu lực, tạo điều kiện cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động trong đàm phán, thu hút đầu tư.

“Ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt quy định tại Điều này chỉ áp dụng đối với các dự án đầu tư mới, không áp dụng đối với các dự án đầu tư đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành”, ông Vũ Hồng Thanh cho biết.

Toàn bộ nội dung tại Điều 20 cũng được Quốc hội biểu quyết thông qua với 448/458 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 92,75% tổng số đại biểu Quốc hội). 

Theo enternews.vn