Khai mở mặt trận kinh tế: Chính phủ cùng ngồi với cộng đồng doanh nghiệp
Mặt trận kinh tế đã chính thức khai mở, không chỉ bởi các quyết định dỡ bỏ về cơ bản các biện pháp cách ly, mở cửa lại thị trường trong nước. Chính phủ đang cùng với cộng đồng kinh doanh bàn cách để không bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào từ thời cơ vàng của nền kinh tế.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đại diện EuroCham tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2020 tổ chức ngày 9/5/2020 tại Hà Nội
Doanh nghiệp đang phục hồi trở lại ?
Kết quả cập nhật khảo sát doanh nghiệp vào đầu tháng 5 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã mang đến những thông tin tích cực. Theo đó, 55% doanh nghiệp cho biết sẽ tiếp tục duy trì quy mô sản xuất hiện tại trong quý III/2020; 22% có kế hoạch mở rộng sản xuất - kinh doanh; chỉ còn khoảng 21% sẽ thu hẹp quy mô, tạm dừng hoạt động.
Xu hướng này là đáng khích lệ và tốt hơn rất nhiều so với thực trạng doanh nghiệp mà VCCI công bố một tháng trước đây, có tới 80% doanh nghiệp cho biết khó có thể trụ vững sau 12 tháng tới.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cũng mang tới Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp diễn ra ngày 9/5 tin tốt khi cho biết, các doanh nghiệp thủy sản đang đặt mục tiêu 8,6 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu năm 2020, không sụt giảm so với năm 2019.
Đặc biệt, thông tin chưa có doanh nghiệp dệt may nào phải đóng cửa mà ông Lê Tiến Trường, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) báo cáo tại Hội nghị cũng thực sự là thông tin vui.
Dù vậy, khó khăn vẫn còn rất lớn. Kết quả khảo sát nhanh gần 130.000 doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào tháng 4/2020 vẫn cho thấy những khó khăn lớn của doanh nghiệp. Theo đó, khoảng 86% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19; doanh thu dự kiến 4 tháng đầu năm 2020 giảm mạnh, còn khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2019. Trên 45% số doanh nghiệp đang thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất - kinh doanh. Khó khăn về thị trường, nguồn thu, dòng tiền đã khiến nhiều doanh nghiệp phải sử dụng các biện pháp cắt giảm tiền lương và lao động.
Câu hỏi của Thủ tướng và sự trăn trở của doanh nhân
Ngay trong lời đầu tiên của Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói: “Tầm nhìn Việt Nam sẽ trở thành quốc gia thịnh vượng vào năm 2045 vẫn đang được xác định rõ. Dịch bệnh không làm thay đổi mục tiêu và tầm nhìn này. Doanh nghiệp có tầm nhìn thế nào, sẽ ở đâu vào năm 2045?”. Câu hỏi đó “đã chạm vào tâm can” của nhiều doanh nhân Việt Nam.
Đây không phải là lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ nhắc tới câu hỏi này. Trăn trở về việc Việt Nam vẫn chưa có doanh nghiệp lọt vào Top 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới cũng không phải lần đầu tiên được đặt ra.
Ngay trong Hội nghị này và nhiều cuộc làm việc trước đây, Thủ tướng đã nhắc tới những thương hiệu Việt Nam có nhiều dấu ấn lớn trong nền kinh tế giai đoạn qua, gồm cả doanh nghiệp nhà nước và các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, như Viettel, Vinamilk, Vingroup, Thaco... khi đặt mơ ước và những đế chế kinh doanh khổng lồ mang tên Việt Nam.
Với tinh thần “Cùng nỗ lực - Vượt thách thức - Đón thời cơ - Phục hồi nền kinh tế”, tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kêu gọi sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, đóng góp vào sự phục hồi của nền kinh tế.
Đáp ứng lời kêu gọi của Thủ tướng, nhiều sáng kiến đã được các doanh nhân đề xuất. Tổng giám đốc Vietravel – ông Nguyễn Quốc Kỳ - đề xuất về việc thiết lập các tam giác thúc đẩy du lịch, như Hà Nội - Ninh Bình - Quảng Ninh; Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam; Nha Trang - Đắk Lắk - Phú Yên... “Cả Chính phủ và các địa phương cùng vào cuộc để ngành du lịch trở lại. Chúng tôi cũng đề nghị cần có tổ công tác liên ngành giải quyết các vấn đề của ngành du lịch trong thời điểm này”, ông Kỳ nói.
Cũng tại Hội nghị, rất nhiều doanh nghiệp bày tỏ sự lạc quan vào nguồn vốn mồi - khoản đầu tư công cho các dự án hạ tầng đã có trong kế hoạch để mở màn cho mặt trận phục hồi kinh tế. Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI nhìn nhận: với số ‘tiền tươi, thóc thật’ đang nằm ở ‘trong túi’ của các bộ, ngành và địa phương đã là trên 30 tỷ USD, nếu tháo gỡ được thủ tục, giải ngân nhanh, đúng lộ trình thì không có lý do gì, chúng ta không thể đạt được tốc độ tăng trưởng GDP trên 5% trong năm nay, như quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ. “Cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ Chính phủ về việc này”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI chia sẻ.
Quyết tâm phục hồi nền kinh tế theo mô hình chữ V
Thành công hiện tại trong chiến dịch phòng chống Covid-19, dỡ bỏ về cơ bản các biện pháp cách ly, mở cửa lại thị trường trong nước; các yếu tố đó thúc đẩy những thay đổi lớn trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và nền kinh tế đang chuyển biến rất nhanh theo chiều hướng tích cực.
Nhắc tới mục tiêu giữ mức tăng trưởng trên 5%, Thủ tướng yêu cầu doanh nghiệp phải đóng góp vào sự phục hồi của nền kinh tế, để đạt được mô hình chữ V, chứ không phải là chữ U và càng không thể là mô hình chữ W.
Theo ông Vũ Tiến Lộc: “Thông điệp mà Chính phủ gửi tới cộng đồng kinh doanh rất rõ ràng. Để nền kinh tế phục hồi theo hình chữ V, có nghĩa là Chính phủ sẽ rất nhanh chóng cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, không để doanh nghiệp phải đối mặt với ‘vi-rút trì trệ’ vào lúc này. Các bộ, ngành, địa phương cũng đã cam kết điều tương tự. Nghĩa là dòng chảy thị trường được khơi thông, dòng chảy của thủ tục, các dự án, các kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp sẽ được khơi thông ngay lập tức”.
Tuy nhiên, ông Lộc vẫn nhắc lại đề xuất thành lập Ban chỉ đạo và Tổ công tác trên mặt trận phục hồi kinh tế do Thủ tướng Chính phủ đảm nhận vai trò Trưởng ban chỉ đạo; các địa phương lập ngay Ban chỉ đạo do Chủ tịch UBND đứng đầu, để nối dài cánh tay giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, tái khởi động và phục hồi kinh tế thành công.
Để phục hồi nền kinh tế thì cần có các quyết sách phù hợp, đúng thời điểm. “Chúng ta đang trong cơ hội vàng của người ra khỏi dịch bệnh trước, không thể chậm một giây phút nào”, ông Lộc chia sẻ quan điểm.
Theo baodautu.vn