Giải đáp vướng mắc về cấp sổ hồng cho cư dân
Tại Hội thảo “Thị trường bất động sản thế nào nào sau dịch Covid- 19" do báo Thanh Niên tổ chức ngày hôm nay, 11/6 tại TP Hồ Chí Minh, vấn đề khó khăn trong việc cấp sổ hồng cho dân cư đã được đại diện Bộ Xây dựng giải đáp.
Theo phản ánh của các DN bất động sản quy định nào về 1 quy trình chung cho các thủ tục thực hiện dự án bất động sản, thậm chí có quy trình với các bước 1, 2, 3, 4 nhưng đến bước 4 bị tắc thì lại quay vòng về từ đầu. Để 1 dự án cơ bản hoàn thành và có thể triển khai bán hàng, nhanh nhất cũng hết 1 năm, nhưng hầu hết kéo dài đến 4 - 5 năm. Đến bước cuối cùng là cấp sổ hồng cho cư dân cũng hết sức khó khăn.
Có trường hợp chủ đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định trước tháng 7/2014, nếu có điều chỉnh công năng dự án thì vẫn đủ điều kiện để được cấp sổ hồng nhưng các bộ đều e dè vì lý do điều chỉnh. Kể cả khi chủ đầu tư đã đề nghị ký quỹ một phần vì có thể phát sinh nghĩa vụ tài chính do điều chỉnh dự án và mong sẽ được giải quyết cấp sổ hồng cho cư dân đối với phần diện tích sở hữu riêng, nhưng từ trước đến nay cũng chưa được giải quyết.
Ông Nguyễn Trọng Ninh - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) giải thích, liên quan đến quy trình giải quyết các vấn đề của dự án thì mỗi luật có quy định một mảng riêng nhưng không có luật nào quy định 1 quy trình chung, do đó địa phương cần chủ động soạn thảo, Bộ Xây dựng sẽ tham gia cho ý kiến và có thể hỏi thêm các bộ ngành khác.
Về thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông Ninh nhấn mạnh nguyên tắc chung là người dân phải được cấp sau khi mua bán xong, còn vướng mắc về thủ tục của chủ đầu tư thì các địa phương phải xử lý sau. Quy định chung về điều kiện cấp sổ hồng là thuộc Bộ Tài nguyên - Môi trường và tùy vào từng trường hợp cụ thể, nếu vướng mắc chỗ nào thì Sở Tài nguyên và môi trường sẽ tiếp nhận giải quyết.
Về thủ tục điều chỉnh dự án, luật Đầu tư đã có quy định, khi nào điều chỉnh và thẩm quyền nào cho phép điều chỉnh và do Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì. Trong đó, có một phần liên quan đến thủ tục xây dựng hay liên quan đến quy hoạch và điều chỉnh cơ cấu căn hộ cũng được nêu rõ và Sở Xây dựng là đầu mối. Còn khi phát sinh tranh chấp giữa sở hữu chung và riêng, đảm bảo các điều kiện quy hoạch, phòng cháy chữa cháy... sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền địa phương.
Theo thanhnien.vn