Dự báo giảm tốc kinh tế 2020 của Top 6 nước Đông Nam Á trước Covid-19

Ngày 28/02/2020

Diễn biến bất thường, khó lường và tốc độ lây lan nhanh chóng của dịch bệnh Covid-19 trong vài tuần qua đã khiến các tổ chức đánh giá hạ dự báo tăng trưởng năm 2020 của Top 6 nền kinh tế quy mô lớn nhất Đông Nam Á. Trong khi đó, quỹ Vinacapital vẫn dự báo khá lạc quan về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Do tác động của dịch bệnh Covid-19, đa phần các quốc gia trong Top 6 nền kinh tế quy mô lớn nhất Đông Nam Á (Top 6) đã hạ lãi suất trong năm nay và nhiều khả năng sẽ tiếp tục có động thái này trong thời gian tới.

 

Indonesia

Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, chưa ghi nhận ca nhiễm bệnh nào. Bên cạnh thương mại và dịch vụ, Indonesia “nhạy cảm” với những thiệt hại tại lĩnh vực xuất khẩu than đá và dầu cọ, khi Trung Quốc đang là khách hàng chính.

Ngày 20/2/2020, Ngân hàng trung ương Indonesia đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay xuống còn 5 – 5,4%, so với mức 5,1 – 5,5% trước đó, đồng thời, hạ lãi suất sau 3 phiên họp liên tiếp giữ nguyên lãi suất.

Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho biết, chính phủ còn nhiều dư địa để thực hiện các biện pháp tài chính và có khả năng cân nhắc các biện pháp hỗ trợ, bao gồm giảm thuế cho doanh nghiệp chịu thiệt hại vì dịch bệnh.

Thái Lan

Nền kinh tế Thái Lan phụ thuộc lớn vào du lịch, nhất là với du khách Trung Quốc khiến quốc gia này chịu tổn thương lớn về kinh tế. Chính phủ Thái Lan ước tính số lượng khách du lịch đã giảm xuống chỉ còn 2,8 triệu người so với con số 37 triệu người trong năm ngoái.

Trong khi đó, đồng bath, vốn là đồng tiền mạnh nhất khu vực năm 2019, đã trên đà giảm giá khá sâu. Tuy nhiên, giới chức nước này cho biết đây không phải diễn biến tiêu cực. Ngân hàng trung ương Thái Lan đã hạ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục vào ngày 5/2 và cho biết còn có thể hạ hơn nữa.

Singapore

Số ca mắc bệnh tại Singapore đã giảm nhanh chóng sau vài tuần qua. Tuy nhiên, chính phủ nước này vẫn hạ dự báo tăng trưởng năm 2020 xuống chỉ còn 0,5% so với mức 1,5% trước đó. Năm 2019, tăng trưởng GDP của Singapore chỉ đạt 0,7%, mức thấp nhất trong 1 thập kỷ.

Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore, vốn sử dụng tỷ giá hối đoái như một trong những công cụ chính sách chính mới đây cho biết, đồng nội tệ nhiều khả năng tiếp tục giảm giá.

Theo thông tin ngân sách 2020 vừa được công bố, thâm hụt ngân sách của Singapore đang ở mức cao nhất kể từ năm 1997 tới nay. Một phần nguyên nhân đến từ từ việc trích 800 triệu SGD (573 triệu USD) cho các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh và 5,6 tỷ USD cho các chương trình hỗ trợ hộ gia đình và doanh nghiệp.

Malaysia

Việc dịch bệnh Covid-19 bùng phát tạo thêm áp lực với tăng trưởng kinh tế Malaysia sau một năm 2019 nhiều khó khăn. Do vậy Ngân hàng trung ương Malaysia đã hạ lãi suất vào ngày 22/1, trước cả khi dịch bệnh bùng phát, đồng thời đưa ra tín hiệu cho thấy sẽ tiếp tục động thái này bởi lạm phát vẫn đang ở mức thấp.

Philippines

Chính phủ Philippines ước tính quốc gia này thiệt hại khoảng 445 triệu USD mỗi tháng với riêng ngành du lịch khi dịch bệnh lan rộng. Đồng thời, lệnh hạn chế đi lại còn ảnh hưởng tới hàng nghìn nhân viên Philippines làm việc tại nước ngoài, trong khi đây là lực lượng đóng góp khoảng 9% GDP.

Ngân hàng trung ương Philippines cũng là cơ quan đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á hạ lãi suất khi dịch bệnh bắt đầu vào ngày 6/2 và cho biết còn nhiều dư địa để tiếp tục hạ lãi suất.

Việt Nam

Do có mối quan hệ mật thiết với chuỗi cung ứng từ Trung Quốc, Việt Nam được đánh giá rất nhạy cảm với rủi ro xuất phát từ dịch bệnh hiện nay. Xuất khẩu của Việt Nam đã giảm trong tháng 1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cho rằng trong năm 2020 có thể tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ đạt 5,96%.

Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mới chỉ yêu cầu các ngân hàng thương mại có biện pháp giãn nợ với các doanh nghiệp chịu tác động từ dịch bệnh.

Quỹ Vinacapital đánh giá: “Ước tính trên vẫn còn quá lạc quan. Tác động của virus corona đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ còn tệ hơn nhiều, vì những tác động đến ngành du lịch (chiếm 12% GDP) và lĩnh vực sản xuất (20% GDP)”.

Quỹ này dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ giảm 1,5 điểm phần trăm trong trường hợp Chính phủ không hành động đủ mạnh để bù đắp một phần tác động từ virus corona.

Tuy nhiên Vinacapital tin rằng nhìn xa hơn, Việt Nam có nhiều cơ hội hơn là thiệt hại từ virus corona. Cùng với chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, sự bùng phát virus cororna chủng mới đã khiến ngày càng có nhiều hơn các công ty quốc tế quyết tâm chuyển dây chuyền sản xuất tới Việt Nam.

Mới đây, Nikkei Asian Review đưa tin Google và Microsoft đang nỗ lực chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Google dự kiến bắt đầu sản xuất điện thoại thông minh giá rẻ mới nhất – dự kiến có tên là Pixel 4A – với các đối tác ở phía Bắc Việt Nam ngay trong tháng 4/2020. Ngoài ra, Google cũng lên kế hoạch sản xuất điện thoại thông minh thế hệ kế tiếp – Pixel 5 – trong nửa sau năm 2020 ở Việt Nam,.

Microsoft cũng dự kiến bắt đầu sản xuất dòng sản phẩm Surface – bao gồm máy tính xách tay và máy tính bàn - ở phía Bắc Việt Nam sớm nhất là trong quý 2/2020. 

Lợi ích của việc sản xuất tại Việt Nam còn được thấy rõ qua trường hợp của Samsung. Trong khi những đối thủ đang chật vật do hoạt động sản xuất đình trệ tại Trung Quốc thì Samsung nhờ đầu tư sản xuất tại Việt Nam vẫn hoạt động sản xuất bình thường.

Vì thế, Vinacapital tin rằng trong dài hạn, Việt Nam sẽ hưởng lợi khi các công ty đẩy mạnh đa dạng hóa sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

 

Theo nhipcaudautu.vn, tinnhanhchungkhoan.vn