Điều kiện mới về đầu tư sân golf
Các loại đất không được sử dụng để xây dựng sân golf gồm đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; đất rừng, đất trồng lúa, đất xây dựng khu công nghiệp, đất thuộc phạm vi bảo vệ đê điều và hành lang bảo vệ bờ biển.
Không được xây sân golf trên đất quốc phòng, an ninh
Nghị định số 52 về đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf vừa được Chính phủ ban hành, có hiệu lực từ 15/6/2020.
Theo đó, bốn loại đất không được sử dụng để xây dựng sân golf và công trình phụ trợ phục vụ cho hoạt động kinh doanh sân golf gồm: Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; đất rừng, đất trồng lúa.
Thứ hai là đất thuộc các khu vực có yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng, di tích thuộc danh mục kiểm kê của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trừ trường hợp quy định.
Thứ ba là đất xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung, khu công nghệ cao và thứ tư là đất thuộc phạm vi bảo vệ đê điều và hành lang bảo vệ bờ biển theo quy định của Luật Đê điều, Luật Tài nguyên, môi trường và hải đảo.
Dự án sân golf ở vùng trung du, miền núi được sử dụng tối đa không quá 5 ha đất trồng lúa một vụ, phân tán tại địa điểm xây dựng và phải đáp ứng điều kiện về bảo vệ, phát triển đất trồng lúa, điều kiện thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Dự án sân golf sử dụng đất rừng sản xuất không phải là rừng tự nhiên phải đáp ứng điều kiện cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng và trồng rừng thay thế theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về lâm nghiệp.
Việc sử dụng đất tại vùng bao quanh hoặc tiếp giáp khu vực có yếu tố gốc cấu thành di tích để xây dựng sân golf không được làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích và phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật di sản văn hóa.
Bên cạnh đó, nghị định quy định sân golf được xây dựng tại địa điểm đáp ứng các điều kiện phù hợp với nguyên tắc quy định và đáp ứng điều kiện về sử dụng đất theo quy định; phù hợp với định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường theo quy hoạch.
Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý về quy hoạch, đất đai có trách nhiệm công bố công khai và cung cấp thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định của pháp luật về quy hoạch và đất đai làm cơ sở để xác định địa điểm xây dựng sân golf.
Nghị định cũng quy định cụ thể diện tích tối đa của sân golf tiêu chuẩn (18 lỗ) không quá 90 ha (bình quân không quá 5 ha trên một lỗ golf); diện tích dự án sân golf xây dựng lần đầu không được quá 270 ha (54 lỗ golf).
Nhà đầu tư phải hoàn thành xây dựng sân golf trong thời hạn không quá 36 tháng đối với sân golf 18 lỗ hoặc không quá 48 tháng đối với sân golf kể từ ngày được quyết định cho thuê đất.
Ngoài ra, việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án sân golf theo quy định của pháp luật về đấu thầu, pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan.
Theo đó, nhà đầu tư thực hiện dự án sân golf phải đáp ứng 3 điều kiện. Thứ nhất, nhà đầu tư phải đáp ứng điều kiện về năng lực tài chính và các điều kiện cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án sân golf theo quy định của pháp luật về đất đai; ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án (đối với trường hợp phải ký quỹ) theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Thứ hai, nhà đầu tư có giải pháp, kế hoạch và cam kết hỗ trợ tái định cư, đào tạo, sử dụng lao động phù hợp cho người đang sử dụng khu đất dự kiến thực hiện dự án sân golf và người lao động tại địa phương.
Thứ ba, nhà đầu tư tự bảo đảm các yêu cầu, điều kiện cần thiết về kết cấu hạ tầng giao thông, điện, nước; xử lý nước thải và bảo vệ môi trường.
Việc cung cấp dịch vụ chơi golf kinh doanh hoạt động tập luyện, thi đấu golf và các dịch vụ có liên quan phải đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn tài chính và nhân lực theo quy định của pháp luật về thể dục, thể thao.
Nghị định của Chính phủ về đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf được cho là đã tạo sự cởi mở trong chính sách thay cho bản quy hoạch khống chế số lượng sân golf trước đây.
Theo đó, Quyết định 1946/QĐ-TTg ngày 26/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch sân golf Việt Nam, đến năm 2020 cả nước có 89 sân golf.
Tuy nhiên, sau gần 10 năm thực hiện, chính sách quy hoạch sân golf bắt đầu bộc lộ những điểm bất cập. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và đầu tư, đến nay cả nước mới chỉ có gần 30 dự án golf được thực hiện và đưa vào khai khác, vẫn còn khá nhiều dự án đang “đắp chiếu”. Nhiều hoạt động không hiệu quả, hoặc vắng khách.
Đáng nói là, trong khi nhiều dự án gôn bị đắp chiếu hay chật vật tìm khách, thì một số tỉnh lại tiếp tục có những kiến nghị phê duyệt những dự án sân golf mới. Nhiều chuyên gia cho rằng, quy hoạch sân golf đã tạo ra sự “phân phối” sân golf cho các vùng miền, địa phương một cách cứng nhắc, gây lãng phí.
Theo theleade.vn