Cơ hội vàng từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (Kỳ 2)

Ngày 24/01/2018

Kỹ sư Công ty TNHH phần mềm FPT Hà Nội làm việc tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: ÐỨC ANH

Bài 2: Chiến lược mang tầm quốc gia -

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) là cụm từ được nhắc đến nhiều trong hơn một năm qua, như một "khẩu hiệu" quen thuộc khi nói đến cải cách và đổi mới. Tuy nhiên, dù liên tục hô hào phải nhanh chóng tiếp cận gần hơn với CMCN 4.0, nhưng thực tế chúng ta khá chậm trong hành động. Ðã đến lúc, Việt Nam cần xây dựng một chiến lược thật bài bản với định hướng phù hợp xu thế mới, để bắt kịp với làn sóng phát triển.

Một "khoán 10" mới trong nông nghiệp

Mặc dù 70% số dân nước ta vẫn chủ yếu dựa vào nông nghiệp, song đây lại là lĩnh vực đang tồn tại vô vàn bất cập cần giải quyết như tình trạng thiếu quy hoạch, chính sách đất nông nghiệp chưa khuyến khích nông dân bảo vệ và đầu tư dài hạn cho ruộng đất. Ở nhiều địa phương, những nơi "bờ xôi ruộng mật" đã phải nhường chỗ cho các khu công nghiệp, đô thị. Ðất sản xuất manh mún, hạn điền quá nhỏ, gần 14 triệu hộ nông dân nhưng có tới gần 80 triệu mảnh ruộng. Trên thực tế, đất đai thuộc sở hữu Nhà nước, nông dân không có quyền bán, chỉ có thể cho thuê hoặc liên kết; nguồn nhân lực phục vụ nông nghiệp vừa thiếu vừa yếu, việc tiếp cận nguồn vốn đầy khó khăn,…

Giám đốc điều hành Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển Kinh tế tư nhân kiêm Tổng Thư ký Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao (DAA) Nguyễn Ðức Tùng nhận xét, trong suốt quá trình phát triển, nền kinh tế nước ta gần như dựa hoàn toàn vào nông nghiệp. Hiện, Chính phủ đã xác định rõ: Nông nghiệp phải phát triển từ nền tảng công nghệ. Vì thế, việc nhanh chóng ứng dụng CMCN 4.0 trong nông nghiệp, tìm ra những sản phẩm có lợi thế để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, là một đòi hỏi bức thiết.

Một lần nữa, câu hỏi trồng cây gì, nuôi con gì lại được đặt ra để xem xét một cách nghiêm túc. Hẳn những lúa, lang, lạc, lợn, lấy sản lượng làm mục tiêu sẽ không còn phù hợp. Nhưng hiện nay, Việt Nam vẫn chưa xây dựng được kịch bản tổng thể rõ ràng, có chiến lược phát triển bài bản đối với nông nghiệp. Chính sách thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp chưa hiệu quả và thiết thực, thiếu ổn định, độ hấp dẫn cũng như tính an toàn. Vai trò của Nhà nước trong ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp còn rất hạn chế, chủ yếu do DN tự mày mò tìm kiếm và thực hiện. Ðiều này dẫn tới hệ lụy thiếu đồng nhất, mỗi DN một công nghệ, một cách làm và vô hình trung băm nát nền nông nghiệp của chúng ta. Bên cạnh đó, quy trình thủ tục để tiếp cận ưu đãi, nhận ưu đãi còn rườm rà, phức tạp, tốn nhiều thời gian, công sức của DN, làm giảm độ hấp dẫn của cơ chế, chính sách.

Hẳn nhiều người chưa quên, sau ngày đất nước giải phóng, một trong những lĩnh vực đấu tranh tiên phong và cam go nhất, chính là quá trình đổi mới trong nông nghiệp. Năm 1968, khi mô hình "khoán chui" của Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú Kim Ngọc mới manh nha xuất hiện, đã bị phê phán gay gắt, do quan niệm nông dân được giao ruộng đất là xóa bỏ quan hệ sản xuất XHCN, tái diễn tình trạng bóc lột, phát canh thu tô. Chặng đường 20 năm đằng đẵng gập ghềnh, từ mô hình khoán hộ ở một xã, đến "khoán 10" (cách gọi phổ dụng Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 5-4-1988 của Bộ Chính trị), qua nhiều thử nghiệm và từng bước điều chỉnh, đã tìm ra con đường phát triển đúng đắn và phù hợp cho nông nghiệp nước ta. Tư tưởng "giải phóng sức sản xuất", nhấn mạnh "lợi ích người lao động", trả lại ruộng đất cho nông dân, để người dân tự quyết định sản xuất đã mang lại điều kỳ diệu: từ một nước nông nghiệp thiếu đói triền miên, chỉ sau vài năm đổi mới, Việt Nam đã tự lực được lương thực và vươn lên trở thành quốc gia đứng thứ hai trên thế giới về xuất khẩu gạo.

Sự thăng trầm của "khoán hộ" 50 năm trước (1968), rồi "khoán 10" năm 1988, vẫn là bài học vẹn nguyên tính thời sự nóng hổi trong giai đoạn phát triển đất nước hiện nay. Tấm áo chính sách đối với nông nghiệp sau 30 năm đã cũ kỹ, chật hẹp, vô tình trở thành "dây trói" khiến nông nghiệp bị đóng khung trong vòng kiềm tỏa. Nhiều người kỳ vọng năm 2018 này sẽ là khởi đầu một chu trình phát triển sau 30 năm (kể từ năm 1988), một "khoán 10" mới tiếp tục giải phóng sức sản xuất, đem lại điều diệu kỳ trong nông nghiệp.

Tháo gỡ rào cản

Luật sư Lê Xuân Hòa, Phó Chủ tịch Hiệp hội phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (Vinasa) cho hay, Nghị định số 102/2009/NÐ-CP của Chính phủ về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng vốn ngân sách nhà nước được kỳ vọng là chìa khóa thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử, tăng cường năng lực quản trị quốc gia, tạo thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển. Nhưng thực tế, do quy trình phức tạp, các thủ tục hình thức và bất hợp lý, khiến chủ đầu tư và các bên liên quan gặp bế tắc, thời gian lập và triển khai các dự án CNTT thường kéo dài vài ba năm. Những quy định áp cho công nghệ, sáng tạo được "sao y bản chính" từ quy định về xây dựng cơ bản, giá cả dự toán được tính theo giá vật liệu chứ không phải sản phẩm trí tuệ, khiến nó trở thành rào cản lớn. Ngân sách cho tin học hóa chính quyền chi khoảng 80% vào phần cứng, chỉ khoảng 20% đầu tư cho phần mềm trong khi phần cứng rất nhanh lạc hậu, vì thế mục tiêu hình thành Chính phủ điện tử không hiệu quả.

Trưởng bộ phận ma-két-tinh Công ty Infinity Blockchain Labs (IBL) Nguyễn Thị Hải Thanh cho biết, tại Xin-ga-po, các DN kinh doanh công nghệ mới như blockchain (chuỗi khối), dù chưa có luật chính thức vẫn được Chính phủ tạo điều kiện cho thử nghiệm. DN được phép hoạt động, chỉ phải tuân theo mục tiêu và nguyên tắc hướng dẫn do Chính phủ đặt ra, khai báo kỹ hơn thông tin, giao dịch phát sinh liên quan và đồng thời Chính phủ cũng giám sát chặt chẽ quá trình này. Từ việc thử nghiệm, cơ quan quản lý đánh giá một cách khoa học về ưu, khuyết điểm để tiến tới luật hóa chính thức các công nghệ này. Với việc áp dụng khung pháp lý thử nghiệm, Xin-ga-po đang trở thành một hệ sinh thái khởi nghiệp năng động, phù hợp mục tiêu trở thành trung tâm đổi mới, sáng tạo hàng đầu thế giới.

Kinh tế số - nền kinh tế mà tất cả các lĩnh vực đều dựa vào, sử dụng in-tơ-nét và nền tảng công nghệ số thông minh có ý nghĩa to lớn với mọi quốc gia, giúp gia tăng GDP với tỷ lệ và mức độ vượt trội. Có thể nói, trong làn sóng của CMCN 4.0, sự chuyển đổi kinh tế số là yếu tố hàng đầu thúc đẩy tăng trưởng và phát triển của một quốc gia, là nền tảng để tăng năng suất cho các ngành nghề kinh tế cũng như tạo ra các cơ hội đổi mới sáng tạo cho DN và phương thức tiếp cận thị trường mới.

Thực tế, cụm từ CMCN 4.0 được nhắc tới nhiều trong thời gian gần đây đã có những tác động, hiệu ứng nhất định. CMCN 4.0 được tuyên truyền rộng rãi đã giúp người dân, DN và nhất là đội ngũ công chức nhà nước hiểu và từng bước thay đổi nhận thức về làn sóng công nghệ mới này. Chủ tịch FPT Trương Gia Bình chia sẻ: Bằng việc ban hành hàng loạt các văn bản như Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử; Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0, Quyết định số 1819/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT,... không chỉ thể hiện tầm nhìn chiến lược của Chính phủ trong việc nhận diện cơ hội, giá trị và thúc đẩy phát triển nền kinh tế số, tạo tiền đề nắm bắt CMCN 4.0, mà còn thể hiện sự quyết liệt của Chính phủ qua cách tiếp cận sâu sát với DN, lắng nghe tiếng nói DN để biến thành hành động cần thiết, kịp thời.

Tuy nhiên, việc chuyển biến từ nhận thức thành hành động cụ thể của các cơ quan nhà nước còn quá chậm. Quá trình hình thành nền kinh tế số ở Việt Nam, khuyến khích đổi mới sáng tạo để thúc đẩy sự chuyển dịch của nền kinh tế còn nhiều thách thức, chưa hội tụ các điều kiện thuận lợi cần thiết. Vì thế, bước sang năm 2018, doanh nghiệp số, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo nói riêng và cộng đồng DN nói chung rất kỳ vọng Chính phủ tiếp tục phát huy tinh thần quyết liệt, mạnh mẽ như đã thể hiện trong năm 2017, tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn lớn để có thể thúc đẩy sự phát triển chung của nền kinh tế.

Ðứng trước nền kinh tế chia sẻ và công nghệ vượt mọi biên giới quốc gia của CMCN 4.0, Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc. Khuyến khích và có cái nhìn cởi mở hơn đối với xu hướng công nghệ trong hoàn cảnh thực tiễn nước ta là cần thiết. Công nghệ là một con sóng lớn, đối với một nước đi sau như Việt Nam, lợi thế công nghệ sẽ giúp rút ngắn khoảng cách thay vì cách đi tuần tự như những mô hình phát triển cũ. Trong xu thế phát triển mới của nền kinh tế toàn cầu, nhất là khi CMCN 4.0 đang lan rộng, ngoài vô vàn cơ hội đầu tư - kinh doanh chưa từng có đối với nước ta, còn là những thách thức cũng chưa từng có trong lịch sử. Những rào cản của môi trường kinh doanh, dù nhỏ nhất cũng sẽ cản dòng chảy của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới, rào cản về chính sách, rào cản tư duy còn nặng nề hơn rất nhiều so với rủi ro thị trường, bởi không một mô hình kinh doanh, phương thức sản xuất mới nào có thể giải được bài toán rủi ro chính sách. Nhà hoạch định chính sách giống như người lướt sóng, trước một con sóng, hoặc chủ động tiến lên, vượt sóng để thành công; hoặc bị xô ngã.