Các gói kích cầu Covid-19 trị giá tới 10% GDP toàn thế giới không hiệu quả và làm thế nào để sửa chữa chúng?
Các chính phủ trên thế giới đang phản ứng mạnh mẽ với cuộc khủng hoảng Covid-19 bằng các phản ứng tài chính và tiền tệ có tổng trị giá lên tới 10% GDP toàn cầu. Tuy nhiên, theo đánh giá toàn cầu mới nhất từ Cơ quan Kinh tế và Xã hội Liên Hợp Quốc, các biện pháp kích thích này có thể không thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư nhiều như các nhà hoạch định chính sách mong đợi.
Vấn đề là một phần đáng kể của các khoản trợ cấp đang được trích để tiết kiệm hoặc đưa vào các quỹ phòng ngừa.
Các biện pháp kích thích ngày nay đã được triển khai cấp tốc để ngăn chặn sự sụp đổ kinh tế từ đại dịch. Chúng hoạt động như một vòi cứu hỏa, phun nước vào mọi nơi và không nhắm mục tiêu chính xác. Song, nhiều nhà bình luận sẽ cho rằng đó là lựa chọn duy nhất tại thời điểm đó. Nếu không có một đợt thanh khoản khẩn cấp ồ ạt, có lẽ đã có những vụ phá sản trên diện rộng đã xảy ra.
Nhưng bây giờ, rõ ràng là đại dịch sẽ kéo dài lâu hơn so với giả định ban đầu khi các biện pháp khẩn cấp này được ban hành. Điều đó có nghĩa là tất cả các chương trình này cần được đánh giá cẩn thận hơn, để mắt đến yếu tố dài hạn. Trong thời kỳ bất ổn, tiết kiệm phòng ngừa thường tăng lên vì các hộ gia đình và doanh nghiệp đều muốn giữ tiền mặt, sợ hãi rủi ro phía trước.
Cuộc khủng hoảng hiện nay cũng không ngoại lệ. Phần lớn số tiền mà các hộ gia đình và doanh nghiệp nhận được sẽ không được sử dụng để chi tiêu hay đầu tư.
Không có gì đáng ngạc nhiên, dự trữ vượt mức tại các tổ chức lưu ký của Mỹ tăng gần gấp đôi trong khoảng từ tháng 2 đến tháng 4, từ 1,5 nghìn USD lên 2,9 nghìn tỷ USD, gấp 3 lần Đại suy thoái. Sự gia tăng lớn trong dự trữ ngân hàng cho thấy các chính sách kích thích được thực hiện không cho thấy nhiều hiệu quả.
Thanh khoản dư thừa cũng có thể mang chi phí xã hội cao. Ngoài những lo ngại thông thường về nợ và lạm phát, cũng có lý do chính đáng để lo lắng rằng tiền thừa trong các ngân hàng sẽ được chuyển sang đầu cơ tài chính. Thị trường chứng khoán đã tăng trưởng mạnh mẽ hàng ngày, và sự biến động này có thể khiến tình trạng bất ổn gia tăng, dẫn mọi người đề phòng nhiều hơn. Điều đó không khuyến khích cả tiêu dùng lẫn đầu tư cần thiết để nền kinh tế có thể phục hồi.
Trong trường hợp này, chúng ta sẽ phải đối mặt với bẫy thanh khoản và một câu hỏi hóc búa về thanh khoản: sự gia tăng lớn trong cung tiền nhưng không tăng chi tiêu của các hộ gia đình và doanh nghiệp. Các biện pháp kích thích được thiết kế tốt có thể giúp ích khi Covid-19 được kiểm soát. Nhưng chừng nào đại dịch vẫn còn hoành hành, mọi thứ không thể quay trở lại bình thường.
Chìa khóa cho bây giờ là giảm rủi ro và tăng ưu đãi để chi tiêu. Chừng nào các công ty còn lắng rằng nền kinh tế sẽ vẫn yếu trong 6 tháng hoặc 1 năm tới, họ sẽ trì hoãn đầu tư, gián tiếp trì hoãn sự phục hồi kinh tế. Chỉ có nhà nước mới có thể phá vỡ vòng luẩn quẩn này. Các chính phủ phải tự chịu trách nhiệm trước các rủi ro ngày nay, bằng cách bồi thường cho các công ty trong trường hợp nền kinh tế không phục hồi trong một thời điểm nhất định.
Đã có một mô hình để thực hiện việc này. Ví dụ, Chính phủ có thể đảm bảo rằng nếu một hộ gia đình mua xe hơi ngày hôm nay và dịch bệnh vẫn nghiêm trọng trong vòng 6 tháng kể từ bây giờ, các khoản thanh toán xe trả góp của họ cũng được hoãn.
Chính phủ cũng nên xem xét phát hành chứng từ chi tiêu để kích thích tiêu dùng hộ gia đình. Điều này đã xảy ra ở Trung Quốc, nơi chính quyền địa phương trên 50 thành phố đang phát hành phiếu giảm giá số có thể được sử dụng để mua nhiều hàng hóa và dịch vụ khác nhau trong một khung thời gian nhất định. Ngày hết hạn làm cho chúng trở thành chất kích thích mạnh mẽ của tiêu dùng và tổng cầu trong thời gian ngắn - khi cần thiết nhất.
Hy vọng, các biện pháp kích cầu được thiết kế tốt hơn sẽ thực sự cứu doanh nghiệp, thay vì chỉ kéo dài sự sống trong vài tháng. Một số quốc gia cung cấp hỗ trợ cho các công ty với điều kiện họ trả nợ lương công nhân, không nợ lương hay sa thải công nhân.
Theo cafebiz.vn