Bộ Tài chính liên tiếp khuyến cáo về trái phiếu doanh nghiệp

Ngày 07/07/2020

Chỉ từ đầu năm đến nay Bộ Tài chính đã hai lần đưa ra khuyến cáo liên quan đến rủi ro tiềm ẩn ở kênh trái phiếu doanh nghiệp.

Báo cáo mới đây Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cho thấy, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ trong tháng 5 là 27.061 tỷ đồng. Tổng khối lượng phát hành TPDN riêng lẻ 5 tháng đầu năm 2020 là 91.616 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2019.
Đáng chú ý, các doanh nghiệp (DN) bất động sản đang gia tăng huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu; nhà đầu tư cá nhân tiếp tục xu hướng tăng mua TPDN; công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại đẩy mạnh việc phân phối TPDN cho nhà đầu tư cá nhân.

Trước tình hình trên, Bộ Tài chính vừa tiếp tục đưa ra khuyến nghị đối với DN phát hành trái phiếu.

Theo khuyến nghị này, DN phát hành trái phiếu phải tính toán cụ thể dòng tiền để xây dựng phương án phát hành trái phiếu khả thi, đảm bảo khả năng trả nợ. DN phải tuân thủ quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu. Việc sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu phải gắn với mục đích phát hành.

DN không được vì mục tiêu bán cho nhà đầu tư cá nhân mà chia nhỏ thành nhiều đợt phát hành với nhiều mã trái phiếu. DN phải có biện pháp để thực hiện đầy đủ, đúng hạn các cam kết với nhà đầu tư, bao gồm cam kết về mua lại trái phiếu trước hạn.

Đối với nhà đầu tư TPDN, Bộ Tài chính khuyến nghị cần tiếp cận đầy đủ thông tin, phân tích và đánh giá kỹ các rủi ro có thể gặp phải đối với trái phiếu.

Trước khi quyết định đầu tư, nhà đầu tư cần yêu cầu DN phát hành, tổ chức phân phối, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về tình hình tài chính của DN phát hành bao gồm cả tình hình huy động vốn trái phiếu (số lượng đợt phát hành, khối lượng đã phát hành, dư nợ tại thời điểm dự kiến phát hành, việc thanh toán lãi, gốc trái phiếu đã phát hành).

Nhà đầu tư cần hiểu mục đích phát hành trái phiếu, tài sản đảm bảo của trái phiếu, đặc điểm của trái phiếu, quyền lợi, nghĩa vụ của chủ sở hữu trái phiếu, các cam kết đối với trái phiếu, nghĩa vụ của DN phát hành, nghĩa vụ của tổ chức phân phối đối với trái phiếu.

"Chỉ khi nắm rõ thông tin về trái phiếu và cân nhắc kỹ lưỡng về các rủi ro có thể gặp phải, nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân mới nên mua trái phiếu, không nên mua trái phiếu chỉ vì lãi suất cao vì có khả năng không thu hồi được khoản tiền đầu tư trái phiếu (bao gồm cả gốc và lãi) nếu DN phát hành gặp khó khăn", Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Về phía tổ chức phân phối trái phiếu, Bộ Tài chính khuyến nghị không chào mời phân phối trái phiếu bằng mọi giá cho nhà đầu tư, có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác cho nhà đầu tư về tình hình tài chính của DN phát hành, mục đích phát hành trái phiếu, tài sản đảm bảo của trái phiếu, đặc điểm của trái phiếu, quyền lợi, nghĩa vụ của chủ sở hữu trái phiếu, các cam kết đối với trái phiếu; nghĩa vụ của DN phát hành, nghĩa vụ của tổ chức phân phối đối với trái phiếu.

Đồng thời, có biện pháp quản lý để DN tuân thủ đầy đủ, đúng hạn cam kết về mua lại trái phiếu với nhà đầu tư khi phân phối trái phiếu

Bộ Tài chính cho biết sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện kiểm tra, giám sát trên cơ sở đó xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong hoạt động phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về TPDN.

Trước đó, ngày 15/5/2020, Bộ Tài chính đã phát đi thông tin về thị trường TPDN 4 tháng đầu năm 2020 và đưa ra những khuyến nghị đối với DN phát hành và nhà đầu tư TPDN.

Cuối tháng 11/2019,  Bộ Tài chính cũng đã khuyến cáo với thông điệp: "Nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân, không nên mua chỉ vì lãi suất cao".

Theo nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn