BIM – Mô hình thay đổi cuộc chơi của ngành xây dựng
Sử dụng mô hình BIM sẽ cho độ chính xác gần như tuyệt đối, tiết kiệm thời gian, chi phí trong khảo sát, thiết kế, thi công, quản lý công trình…
Quy trình BIM – Building Information Modeling – là một xu hướng được phát triển và ứng dụng từ khá lâu tại các quốc gia phát triển trên thế giới. Tại Mỹ, tỉ lệ các công trình áp dụng BIM lên tới 70%, tại Châu Âu là 55%. Các nước châu Á như Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã phát triển quy trình này từ sớm. BIM được các chuyên gia đánh giá cao nhờ đem lại những lợi ích đáng kể trong việc tối ưu hóa nhân lực, chi phí và thời gian từ đó cấu thành giá thầu cạnh tranh cho nhà thầu và chính nhà đầu tư cũng hưởng được lợi cuối cùng.
Đến năm 2021 sẽ áp dụng BIM cho các dự án công. Sau năm 2023 các dự án tư nhân có thể được khuyến khích hoặc bắt buộc áp dụng BIM.
BIM được hình thành với mục tiêu cải thiện mọi khâu trong quá trình tạo ra và sử dụng một công trình từ thiết kế tới thi công và vận hành công trình. BIM có ảnh hưởng lớn tới mọi thành phần trong ngành xây dựng, từ đơn vị thiết kế, nhà thầu thi công cho tới chủ đầu tư cũng như đơn vị quản lý vận hành.
Áp dụng BIM góp phần tiết kiệm chi phí quy đổi tổng hợp từ các chủ thể có liên quan, tăng cường tính minh bạch và thuận lợi trong quản lý, kiểm soát chất lượng, đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả quản lý dự án đầu tư xây dựng.
Theo TS. Đỗ Tiến Sỹ, Trưởng bộ môn Thi công và Quản lý xây dựng Khoa Kỹ thuật xây dựng ĐH Bách Khoa TP.HCM, “hầu hết các công trình ở nước ta được khảo sát, đánh giá dựa trên các bản vẽ tay, các phương pháp công nghệ điều chỉnh thủ công. Trong khi đó, với BIM thì toàn bộ quá trình xây dựng, quản lý khai thác, bảo trì được tích hợp nhanh chóng”.
Chỉ trong thời gian ngắn khảo sát bằng mô hình BIM. Toàn bộ quá trình từ bắt đầu xây dựng đến hết vòng đời đều được phân tích rõ ràng. Suốt quá trình sử dụng, chỉ cần một thay đổi nhỏ về kết cấu công trình, chủ đầu tư dễ dàng phát hiện ra nhờ thiết bị BIM.
Việc ứng dụng BIM đem lại hiệu quả kinh tế rất rõ rệt. Theo nghiên cứu của thế giới, mô hình này hỗ trợ giảm 10% chi phí, 10% thời gian thi công, giảm rủi ro thi công đến 10% và 40% các thay đổi về mặt thiết kế. Dựa vào kết quả của mô hình BIM, các công trình sẽ dễ dàng được lập dự toán, xây dựng phương án bố trí vốn phù hợp, tránh các rủi ro không đáng có. Tuy nhiên cho đến nay, BIM còn chưa được ứng dụng nhiều do chi phí ứng dụng khá lớn, đội ngũ kỹ sư ứng dụng phải có trình độ cao.
Theo đà phát triển của thế giới nói chung và công nghiệp xây dựng toàn cầu nói riêng, đã đến lúc ngành Xây dựng Việt Nam cần phải có sự thay đổi. Tháng 12/2016 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2500/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình
Với Đề án này, lộ trình bắt buộc áp dụng BIM trong ngành xây dựng chỉ còn không đầy 1 năm. Cụ thể: đến năm 2021 sẽ áp dụng BIM cho các dự án công. Sau năm 2023 các dự án tư nhân có thể được khuyến khích hoặc bắt buộc áp dụng BIM.
Theo depbenvung.com, thanhtra.com.vn