ADB hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam xuống 4,1%
Trong bản cập nhật triển vọng phát triển châu Á 2020, Ngân hàng phát triển châu Á đã hạ mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam 0,7% do nhu cầu bên ngoài giảm mạnh vì kinh tế toàn cầu suy yếu.
Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) vừa qua đã hạ mức dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm 2020 của Việt Nam về 4,1% so với con số 4,8% được đưa ra vào hồi đầu tháng 4.
Dù vậy, Việt Nam vẫn duy trì vị trí đầu bảng tại Đông Nam Á và là một trong ba nền kinh tế duy nhất có tăng trưởng dương trong năm nay, cùng với Brunei (1,4%) và Myanmar (1,8%).
Một số nền kinh tế sụt khu vực bị dự báo giảm mạnh bao gồm Campuchia (từ 2,3% về -5,5%), Malaysia (từ 0,5% về -4%), Singapore (từ 0,2% về -6%) do các biện pháp ngăn chặn dịch Covid-19 ảnh hưởng tới cầu nội địa và đầu tư.
ADB đánh giá Việt Nam đã ghi nhận một số động lực tăng trưởng trong tháng 5 sau khi kết thúc giãn cách xã hội. Tuy nhiên, sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch nội địa không đủ để bù đắp mức giảm 98% lượng khách nước ngoài. Cùng với đó, nông nghiệp bị đình trệ do vấn đề xuất khẩu và hạn hán kéo dài, thặng dư thương mại lao dốc khi những thị trường xuất khẩu chính đóng cửa hàng loạt.
Nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ được dự báo tiếp tục giảm tốc vào năm 2020 do nhu cầu bên ngoài giảm mạnh. Tốc độ tăng trưởng dự kiến sẽ quay trở lại mức 6,8% vào năm sau.
Theo Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) trong báo cáo thường niên vừa qua, trong kịch bản lạc quan nhất với giả định hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường từ cuối tháng 4, thế giới nới lỏng các biện pháp phong tỏa từ đầu tháng 6, tăng trưởng kinh tế Việt Nam được dự báo đạt khoảng 5,5%.
Trong kịch bản trung tính và bi quan với giả định dịch Covid-19 tái bùng phát tại nhiều trung tâm kinh tế, tài chính quan trọng của thế giới, các quốc gia phải kéo dài lệnh phong tỏa, Việt Nam được dự báo tăng trưởng lần lượt là 3,9% và 1,7%.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hồi cuối tháng 4 cho rằng Việt Nam sẽ tăng trưởng GDP ở mức 2,7% trong năm 2020, là tốc độ thấp nhất trong hàng chục năm. Tuy nhiên, trong khu vực châu Á, Việt Nam là một trong số ít những nền kinh tế có mức tăng trưởng dương và thậm chí cao nhất trong khu vực châu Á mới nổi. IMF cho rằng Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh trở lại vào năm 2021 ở mức 7%, tương đương mức của năm 2019.
Trong khi đó, Ngân hàng thế giới (World Bank) cho rằng Việt Nam tăng trưởng mức 4,9% trong năm nay, giảm 1,6 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Theo kịch bản tình huống thấp hơn với giả sử dịch Covid-19 kéo dài, nền kinh tế trong nước và thế giới phục hồi chậm, tăng trưởng GDP sẽ chỉ còn mức 1,5%, thấp nhất trong hàng chục năm qua.
Trong trung hạn, tăng trưởng dự báo sẽ quay lại lên đến 7,5% trong năm 2021 và hội tụ quanh mức khoảng 6,5% năm 2022 nhờ sức cầu bên ngoài được cải thiện, ngành dịch vụ được củng cố và sản xuất nông nghiệp dần được khôi phục.
Theo theleader.vn