Viện Công nghệ GFS bước đầu có kết quả sản xuất thử nghiệm hai dự án nghiên cứu cấp Nhà nước
Ngày 05/01/2018, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn do Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy – Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường đã đến kiểm tra định kỳ, đánh giá tình hình triển khai hai dự án cấp Nhà nước ...
Ngày 05/01/2018, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn do Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy – Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường đã đến kiểm tra định kỳ, đánh giá tình hình triển khai hai dự án cấp Nhà nước Phân bón hữu cơ Nano Bioplant Flora và chế phẩm sinh học Lacto - Power mà Bộ đã tin tưởng giao cho Viện Công nghệ GFS thực hiện. Hai dự án đang từng bước hoàn thành giai đoạn nghiên cứu và tiến hành và tiến hành sản xuất thử nghiệm. Đây là 2 đề tài thuộc nhóm nghiên cứu ứng dụng nhằm phục vụ chiến lược quốc gia về nông nghiệp hữu cơ mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn, đồng hành cùng doanh nghiệp và kỳ vọng tạo thành “mô hình điển hình” nhằm khuyến khích sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân vào lĩnh vực khoa học công nghệ ứng dụng trong ngành nông nghiệp.
Tiếp và làm việc với đoàn Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT), đại diện Tập đoàn GFS và Viện Công nghệ GFS có sự tham gia của ông Phạm Thành Công – Chủ tịch Tập đoàn GFS; TS. Nguyễn Hữu Điệp - Phó Chủ tịch Tập đoàn GFS, Viện trưởng Viện Công nghệ GFS; PGS. TS. Bùi Xuân Hồi – Phó TGĐ Tập đoàn GFS, Viện phó Viện Công nghệ GFS và lãnh đạo các phòng/ban liên quan trong Tập đoàn.
Quang cảnh buổi làm việc của GFS với Bộ NN&PTNT
Tại buổi làm việc, TS. Nguyễn Hữu Điệp – Viện trưởng Viện Công nghệ GFS chia sẻ: “Phát triển nông nghiệp hữu cơ là định hướng mang tính chiến lược của Tập đoàn GFS, vì vậy, khi được Bộ NN&PTNT lựa chọn và đồng hành trong mô hình “Nhà nước – doanh nghiệp” cùng nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ Viện Công nghệ GFS đã nhanh chóng tập hợp đội ngũ nghiên cứu có chuyên môn và kinh nghiệm triển khai các nội dung trong thuyết minh của 02 đề tài đã được phê duyệt nhằm tạo ra sản phẩm công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp”. Cũng trong buổi làm việc, PGS. TS. Bùi Xuân Hồi – thay mặt Viện Công nghệ GFS (đơn vị chủ trì 02 đề tài) đã trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu và tiến độ triển khai hai dự án Phân bón Nano Bioplant Flora và chế phẩm sinh học Lacto - Power từ thời điểm được phê duyệt (tháng 4 năm 2017) đến nay. Tới thời điểm này, cả 2 dự án đều đảm bảo cơ bản tiến độ công việc, đang từng bước hoàn thành giai đoạn nghiên cứu và đưa vào sản xuất thử nghiệm, tạo ra sản phẩm bước đầu. Những thuận lợi, khó khăn mà Viện Công nghệ GFS gặp phải trong quá trình triển khai 02 dự án cũng đã được ông Hồi đề cập trong mục tiêu đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.
Đoàn công tác thăm và thực địa cơ sở sản xuất thử nghiệm chế phẩm sinh học Lacto – Power tại Thái Bình
Phát biểu tại buổi làm việc, Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy – Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ NN&PTNT nhấn mạnh: Chính phủ, Lãnh đạo Bộ NN&PTNT luôn khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cả trong và ngoài ngành đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Mặc dù ngân sách được hỗ trợ còn hạn hẹp nhưng Viện Công nghệ GFS đã đầu tư bài bản, chuyên nghiệp vào công tác nghiên cứu ứng dụng, thể hiện tinh thần trách nhiệm trong suốt quá trình nghiên cứu, tạo ra sản phẩm có tính ứng dụng thực tiễn cao. Đồng thời, Bà Thủy cũng thể hiện mong muốn Tập đoàn GFS tận dụng được cơ hội, tận dụng các nhà nghiên cứu, chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản để có thể chuyển giao được công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ, hoàn thiện công nghệ vào trong thực tiễn sản xuất của Việt Nam. Bộ NN&PTNT cũng định hướng để làm sao liên kết giữa các nhà sản xuất, các nhà khoa học, các chuyên gia với các đơn vị thật chặt chẽ để tạo ra những sản phẩm thực tiễn theo xu thế phát triển hiện nay.
Đoàn công tác Bộ NN&PTNT chụp ảnh lưu niệm với Ban lãnh đạo Tập đoàn GFS
Thay mặt cho tập đoàn GFS, ông Phạm Thành Công – Chủ tịch Tập đoàn khẳng định đầu tư cho khoa học công nghệ, đặc biệt khoa học công nghệ được áp dụng trong nông nghiệp hữu cơ, là tầm nhìn chiến lược và bước đi lâu dài của Tập đoàn GFS. Tầm nhìn 5 năm tới, GFS tiếp tục phát triển về quy mô trong tất cả các lĩnh vực, trong đó, lĩnh vực ứng dụng khoa học công nghệ sẽ mang lại 70% lợi nhuận cho Tập đoàn. “Đối với Viện Công nghệ GFS, chúng tôi có khát vọng và quyết tâm đầu tư, xây dựng Viện trở thành Viện nghiên cứu và ứng dụng tầm cỡ khu vực, tạo nên sức mạnh khoa học, vì chỉ có khoa học mới có thể đem đến sự đột phá. Tập đoàn GFS đã có kế hoạch và chuẩn bị đầy đủ nguồn lực để tăng cường lực lượng và cơ sở vật chất, tạo điều kiện tốt nhất để cho Viện Công nghệ GFS phát triển”, ông Phạm Thành Công nhấn mạnh.
Đoàn đi thực tế tại Nông trại Tuệ Viên - nơi áp dụng thử nghiệm sản phẩm phân bón Nano Bioplant Flora
Cùng ngày, đoàn công tác đã đến thăm cơ sở sản xuất thử nghiệm phân bón hữu cơ Nano Bioplant Flora được đặt tại Nông trại Tuệ Viên, Cự Khối, huyện Long Biên, Hà Nội và cơ sở sản xuất thử nghiệm chế phẩm sinh học Lacto – Power đang được đặt tại huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Sau khi đi khảo sát thực tế, đoàn đã nghe Viện Công nghệ GFS và đội ngũ kỹ thuật tại cơ sở thực nghiệm trình bày về quy trình sản xuất và ứng dụng sản phẩm tại nông trại. Theo đó, sản phẩm của 02 đề tài là chế phẩm sinh học Lactor Power và phân bón hữu cơ Nano Bioplant là hết sức hiệu quả trong chăn nuôi và trồng trọt, là một trong những yếu tố cơ bản trong chuỗi sản xuất nhằm tạo ra các sản phẩm hữu cơ chất lượng cao và kỳ vọng mang lại hiệu quả kinh tế cao khi sản xuất ở quy mô công nghiệp
Đúng theo tinh thần của nghiên cứu ứng dụng, đồng hành của nhà nước và doanh nghiệp, sau khi nghiên cứu thử nghiệm và ứng dụng thành công ở quy mô mô hình của hai đề tài cấp Nhà nước về phân bón hữu cơ và chế phẩm sinh học này, GFS sẽ ngay lập tức triển khai sản xuất kinh doanh ở quy mô công nghiệp phục vụ mục tiêu chủ đạo trước mắt là nhằm đẩy mạnh hoạt động sản xuất nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao của tập đoàn GFS, đồng thời cung cấp cho thị trường vật tư nông nghiệp Việt Nam những sản phẩm thực sự chất lượng, giá cả cạnh tranh thay thế dần các sản phẩm mà hiện nay chúng ta còn phụ thuộc vào nguồn cung nhập khẩu.