Trò chuyện đầu xuân với Chủ tịch Tập đoàn GFS Phạm Thành Công
Tuy còn khá non trẻ, nhưng Viện Công nghệ GFS đã quy tụ được đội ngũ các chuyên gia, giáo sư, tiền sĩ đầu ngành về công nghệ ứng dụng trong và ngoài nước. Hiện viện đang triển khai hàng loạt các đề tài ứng dụng, chuyển giao công nghệ với các nước trên thế giới.
Đã thành thông lệ, cứ mỗi độ Tết đến xuân về, Ban Bí thư Trung ương Đảng lại tổ chức buổi gặp mặt, chúc Tết các đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ ưu tú của cả nước. Trong sắc Xuân Mậu Tuất, buổi gặp năm nay được tổ chức vào ngày 7/2/2018 tại Phòng Khánh tiết, Trụ sở Trung ương Đảng. Nhân sự kiện này, phóng viên đã có dịp trao đổi với ông Phạm Thành Công - Chủ tịch Tập đoàn GFS, một trong 75 khách mời của buổi gặp mặt.
Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ ưu tú |
Xin chào ông Phạm Thành Công. Tôi rất ngạc nhiên và muốn biết tại sao cuộc gặp mặt của các đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ do Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức lại xuất hiện một Chủ tịch Tập đoàn kinh tế tư nhân?
Ông Phạm Thành Công: Mặc dù là Chủ tịch Tập đoàn GFS nhưng tôi được Ban tổ chức mời với tư cách là Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Công nghệ GFS, một trong 12 đơn vị thành viên của Tập đoàn GFS và được quản lý chuyên môn bởi Liên Hiệp các Hiệp hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam.
Có thể còn non trẻ nhưng chúng tôi đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước đó, vì vậy chúng tôi đã quy tụ được đội ngũ các chuyên gia đầu ngành công nghệ ứng dụng, các Giáo sư, Tiến sĩ trong và ngoài nước. Hiện chúng tôi đang triển khai hàng loạt các đề tài ứng dụng, chuyển giao công nghệ với các nước trên thế giới, không phải tự nhiên mà Viện công nghệ GFS được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tin tưởng giao thực hiện 02 đề tài cấp nhà nước, đó là đề tài sản xuất phân bón hữu cơ Nano Bioplant Flora; và sản xuất chế phẩm sinh học Lactor Power phục vụ trong chăn nuôi bò sữa.
Ông Phạm Thành Công - Chủ tịch Tập đoàn GFS |
Mô hình Viện nghiên cứu trong doanh nghiệp tư nhân là khá mới mẻ và độc đáo. Ý tưởng của ông là gì khi hình thành mô hình này? Vì đam mê khoa học hay những vấn đề mang tính chiến lược của Tập đoàn mà ông làm Chủ tịch?
Ông Phạm Thành Công: Tôi đam mê nghiên cứu khoa học và tôi luôn có một suy nghĩ về bài toán kinh doanh đó là: mọi thứ đều hữu hạn, bất động sản, lợi thế địa tô, vốn, quan hệ rồi sẽ đến một lúc sẽ cạn kiệt và cường độ cạnh tranh là vô cùng khốc liệt, nhưng tri thức, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo thì là vô tận. Với suy nghĩ đó tôi đã định hình rõ chiến lược phát triển Tập đoàn GFS.
Chắc bạn cũng biết, Tập đoàn GFS tiền thân là doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ giao thông Vận tải (Tổng Công ty CIENCO 8), hoạt động trong nhiều lĩnh vực: Bất động sản, Khoa học - Công nghệ, Nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao, thương mại và dịch vụ, khai thác khoáng sản, đầu tư tài chính. Với mức doanh thu 3.400 tỷ đồng năm 2017 với 90% cơ cấu doanh thu đến từ bất động sản, lợi nhuận trên 500 tỷ đồng. Từ khi thành lập đến nay chúng tôi đã nộp thuế khoảng 1.500 tỷ đồng, tham gia vào các hoạt động cộng đồng một cách đầy đủ và trách nhiệm. Những kết quả đó tôi đang coi là quá trình tích lũy “lương khô” khi điều chỉnh chiến lược phát triển của Tập đoàn cho giai đoạn mới.
Theo đó Tập đoàn lấy mũi nhọn Khoa học - Công nghệ làm định hướng phát triển. Trong Khoa học - Công nghệ, chúng tôi đặt trọn vẹn trong lĩnh vực nông nghiệp và chủ trương tập trung vào nông nghiệp hữu cơ. Trong nông nghiệp hữu cơ chúng tôi xây dựng cơ cấu doanh thu là 70% là dược liệu đặc sắc và 30% là các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ khác. Với định hướng như vậy, Tập đoàn GFS đặt mục tiêu đến năm 2025 cơ cấu doanh thu từ Tập đoàn sẽ được điều chỉnh là 70% từ công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; 30% từ bất động sản và các hoạt động khác.
Sở dĩ tôi nói những gì chúng tôi đã và đang tích lũy đến ngày hôm nay chỉ là “lương khô” vì chiến lược mà chúng tôi xây dựng là chiến lược dài hạn nó cần sự đầu tư nghiêm túc, bài bản, sự quyết tâm của cả một tập thể mà ở đó tôi là người đứng đầu.
Bạn còn nhớ “Liên kết bốn nhà” trong nông nghiệp là sự liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp và nhà khoa học dưới sự hỗ trợ của nhà nước nhằm gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững; tiến tới sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiện đại? Tôi nghĩ đó là mối liên kết cần thiết, nhưng tôi cho rằng sẽ hiệu quả hơn khi tích hợp được doanh nghiệp và nhà khoa học làm một thay vì phải tìm đến nhau và liên kết. Mô hình Viện trong doanh nghiệp của tôi là như vậy đó. Nhưng đó mới chỉ là sự khởi đầu.
Một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản với 90% doanh thu từ các dự án bất động sản lại điều chỉnh chiến lược sang phát triển nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao. Một sự điều chỉnh chiến lược khó có thể nghĩ tới. Ông bắt đầu với mô hình Viện trong doanh nghiệp, vậy các bước tiếp sẽ là gì thưa ông?
Ông Phạm Thành Công: Sở dĩ tôi nói, mô hình Viện trong doanh nghiệp mới chỉ là bắt đầu là vì tôi có thể khẳng định rằng phát triển nông nghiệp hữu cơ cần phải làm đồng bộ theo chuỗi. Chắc chắn là như vậy. Mô hình liên kết 4 nhà mà chúng ta thường nghe bản chất cũng là làm theo chuỗi.
Vậy chuỗi nông nghiệp hữu cơ là thế nào? Bạn cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ khâu zen giống, chuẩn bị đất cát với phân tích thổ nhưỡng kỹ càng; chuẩn bị phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ, quy trình chăm bón hiện đại tích hợp công nghệ 4.0, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cuối cùng mà một trong những kênh bán hàng công nghệ tôi hướng tới là thương mại điện tử. Đó là chuỗi nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao. Tôi còn nghĩ với nhiều sản phẩm đặc thù thì chuỗi này còn phải đến bước tạo ra các món ăn đặt lên trên bàn ăn đầy ắp sự đặc sắc của văn hóa Việt.
Tôi đã suy nghĩ rất kỹ khi xin thành lập Viện GFS, Viện sẽ tập trung nghiên cứu ứng dụng chứ không nghiên cứu cơ bản như nhiều Viện nghiên cứu hiện nay ở Việt Nam. Tất nhiên Viện mới thành lập và vận hành Viện cũng cần hiệu quả cả về phương diện kinh tế nên không phải toàn bộ các khâu trong chuỗi chúng tôi có thể giải quyết được ngay chẳng hạn như khâu zen giống? Một lĩnh vực rất đặc thù và chỉ khi quy mô của tôi đủ lớn tôi sẽ quay lại nhiệm vụ này, còn giai đoạn trước mắt tôi sẽ tập trung vào nghiên cứu các sản phẩm trong chuỗi nông nghiệp hữu cơ mà bản thân nó đang có sức cạnh tranh cao, vì thế chúng tôi mới tập hợp đội ngũ nhân sự chất lượng cao triển khai các dự án cấp nhà nước về sản xuất phân bón hữu cơ thế hệ mới và chế phẩm sinh học phục vụ chăn nuôi.
Năm 2018 một loạt các đề tài, dự án ứng dụng công nghệ chúng tôi sẽ triển khai mà có thể kể ra đây như: nghiên cứu sản xuất thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ với sự tích hợp công nghệ của Hàn Quốc và Ukraina; dự án nuôi tôm công nghệ 4.0; dự án chiết xuất tinh dầu quế chất lượng cao; dự án thương mại điện tử vv… Những dự án này bản thân nó cũng đã khả thi nhưng đồng thời nằm trong tính toán của chúng tôi phục vụ chiến lược phát triển nông nghiệp hữu cơ đặc sắc và bền vững.
Nói như thế không có nghĩa là chúng tôi bỏ qua các nghiên cứu cơ bản. Viện đã chủ động thiết lập với các tổ chức đơn vị nghiên cứu lớn trong và ngoài nước để tận dụng các tài nguyên, các kết quả nghiên cứu, kho tàng này phong phú lắm bạn ạ, vấn đề là có tìm được đến nhau hay không thôi. Những đơn vị mà Viện Công nghệ GFS đã ký thỏa thuận hợp tác họ có các kết quả nghiên cứu và thực nghiệm rất đáng nể phục: Viện hóa học các hợp chất tự nhiên (Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam), Viện Hiếm xạ, Viện Vi sinh vật (ĐHQG Hà Nội); Viện Vật lý nhiệt; Viện Vi sinh (thuộc Viện hàn lâm Khoa học Quốc gia Ukraina; Viện Duga (Liên bang Nga) vv.. chúng tôi hợp tác trên cơ sở bình đẳng chia sẻ lợi ích và quan trọng là đưa các kết quả nghiên cứu ra khỏi phòng thí nghiệm vào ứng dụng trong đời sống một cách hiệu quả.
Song song với các bước trong chuỗi mà Viện GFS là đầu mối thực hiện, một loạt các nội dung khác chúng tôi cũng đang triển khai như khâu lựa chọn giống, chuẩn bị đất đai vv… Những bước đi này rất quan trọng vì mặc dù làm hữu cơ nhưng tôi tin chỉ có quy mô công nghiệp mới hiệu quả. Những vùng dược liệu chúng tôi đã nhắm tới, đã làm việc và đươc lãnh đạo địa phương hết sức ủng hộ nhưng cho tôi xin phép được chia sẻ trong một dịp khác. Viện Công nghệ GFS đang phối hợp với Viện Nông hóa thổ nhưỡng tiến hành phân tích đất, nhưng tôi còn yêu cầu nhiều hơn, đó là xây dựng ma trận đa biến một bên là các đặc điểm thổ nhưỡng, điều kiện khí hậu với một bên là đặc điểm cây trồng để trả lời một cách tốt nhất câu nói quen thuộc “trồng cây gì”. Chỉ khi có kết quả này mới có thể vẽ được bản đồ dược liệu. Đó, cách làm của chúng tôi là vậy.
Tôi đã bắt đầu hiểu hơn về chiến lược của GFS mà trọng tâm là nông nghiệp hữu cơ đặc sắc, nhưng tôi được biết thì đây là nhóm sản phẩm rất kén khách hàng, ông đã có những tính toán gì cho đầu ra của các sản phẩm hữu cơ mà ông ấp ủ chưa?
Ông Phạm Thành Công: Một câu hỏi rất hay. Tôi đã nghĩ đến điều này và quá trình xây dựng chuỗi phải tính đến. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nói: “Nông nghiệp hữu cơ không chỉ dành cho người giàu”, đó là định hướng, là mong muốn trong dài hạn. Nhưng tôi nghĩ ở giai đoạn trước mắt khi mà mức độ kiểm soát chất lượng, tệ nạn hàng giả, hàng nhái tràn lan thì mục tiêu của tôi phải là thị trường xuất khẩu đặc biệt là khi cơ cấu nông nghiệp hữu cơ của tôi là 70% là dược liệu và 30% là các sản phẩm hữu cơ khác. Chỉ khi làm nông nghiệp hữu cơ không còn là phong trào, nó mang tính phổ cập để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân Việt một cách thực sự chúng tôi cũng sẽ là một thành viên tích cực để “sản phẩm nông nghiệp hữu cơ phải hướng tới cung cấp ra thị trường cho toàn bộ người dân” như mong muốn của Thủ tướng chính phủ.
Còn vì sao lại là nông nghiệp hữu cơ đặc sắc, bạn đã quan sát củ tỏi hữu cơ Châu Âu chưa? Nó rất to phải không, nhưng thế chưa phải là đặc sắc, củ tỏi đấy so sánh sao được với củ tỏi Lý Sơn của chúng ta. Ý tôi đặc sắc là ở chỗ đó và tôi lựa chọn phân khúc này. Và bạn biết đấy nếu nói về thưởng thức, về sự tinh tế thì không ở đâu bằng văn hóa Á Đông đặc biệt là Trung Quốc. Và câu chuyện đầu ra sản phẩm của tôi ư, tôi hướng tới thị trường xuất khẩu, đối tượng khách hàng của tôi là Trung Quốc, một thị trường mà ngay cả người giàu sành ăn thôi đã quá rộng lớn rồi.
Tôi đã nghe ông nói về các mục tiêu trong chiến lược 5 năm mà ông theo đuổi. Xa hơn 5 năm ông có tham vọng gì nữa không khi mà chuỗi giá trị nông nghiệp hữu cơ của ông đã đi vào vận hành?
Ông Phạm Thành Công: Chắc chắn tôi sẽ theo đuổi chiến lược mà tôi đã định hình cho GFS đó là nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao. Còn tham vọng của tôi ư, tôi chỉ muốn làm một điều và quyết tâm làm điều đó đến cùng: Những gì của Việt Nam phải trả lại cho Việt Nam. Từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái, dải đất hình chữ S được ban tặng khí hậu nhiệt đới gió mùa, đặc trưng vùng miền rõ ràng, đa dạng thổ nhưỡng, đa dạng sinh học.
Vì thế nói là tham vọng thì hơi quá nhưng tôi có hai mục tiêu trong dài hạn gắn liền với nông nghiệp hữu cơ đó là: Thay đổi thói quen người Việt chúng ta luôn ngước mắt nhìn những sản phẩm tiêu chuẩn châu Âu hay châu Mỹ thì chính người châu Âu hay Mỹ phải ngước lên nhìn những sản phẩm hữu cơ chất lượng cao, đặc sắc của Việt Nam và cuối cùng tôi có một khao khát lớn là “Biến Việt Nam trở thành Vườn Dược Liệu của thế giới”.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi hết sức thú vị này. Một mùa xuân mới lại đến kính chúc ông sức khỏe và vững tay lái của con thuyền GFS mà tôi nghĩ nó đang ra biển lớn thực sự. Tôi vững tin GFS sẽ thành công.
PV